
Cứ mỗi mùa tuyển sinh, bên cạnh kết quả đậu – rớt của một kỳ thi, mọi người chờ đợi sự lên ngôi của những tân thủ khoa với những cảnh đời, bí quyết học tập riêng. Năm nay, các trường ĐH lần lượt công bố điểm thi và nhiều ngôi vị thủ khoa đã xuất hiện. Điều đặc biệt là tân thủ khoa của các trường ĐH lớn như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Ngân hàng, ĐH Cần Thơ… đều thuộc về những học sinh xuất thân từ các vùng quê hẻo lánh, nghèo khó, thiếu điều kiện học tập, nhưng họ đã khẳng định mình bằng những con số tuyệt đối 30/30 hay 9,75 điểm môn Văn – điểm cao nhất môn này của cả nước…
Nguyễn Trung Ngân - thí sinh đạt điểm môn Văn cao nhất nước
Thích nghe nội kể chuyện

Trong cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” tại TP Cần Thơ năm 2004 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, Nguyễn Trung Ngân (lớp 9A2 Trường THCS Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ ) đã đoạt giải 3 và giải đặc biệt với “Bài văn gây xúc động nhất”. Bốn năm sau, năm 2008, kết quả tuyển sinh ĐH Cần Thơ công bố vào ngày 1-8, TS Nguyễn Trung Ngân đã làm cả nước bất ngờ khi đạt 9,75 điểm môn Văn, đồng thời là thủ khoa khối D1 khi đạt 25 điểm.
Từ trung tâm TP Cần Thơ, chúng tôi mất hơn nửa giờ mới tìm đến ngôi nhà nằm sâu trong hẻm 15, ấp Thới An A, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Ngân có khuôn mặt rất dễ mến, nụ cười hiền dịu. Ngân làm chúng tôi bất ngờ khi em cho biết “em học chuyên Anh chứ không phải chuyên Văn”. Tuy nhiên, theo nhận định của thầy Vũ Anh Khuyến, tổ trưởng môn Văn của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, dù học chuyên Anh nhưng Ngân học môn Văn rất tốt.
Ngoài chăm chỉ, chịu khó học hỏi, trong bài viết của Ngân luôn có nhiều ý sáng tạo nên thường được điểm gần như tuyệt đối. Cùng chung nhận định trên, một số thầy cô Trường THCS Giai Xuân cho biết lúc còn học ở trường, năng khiếu môn Văn của Ngân luôn vượt trội, bài viết sạch sẽ, chữ đẹp, diễn đạt ý hay. Đặc biệt, Ngân luôn đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi kể chuyện “Hoa phượng đỏ” hàng năm do huyện, trường tổ chức.
Điều đáng nói thêm là bố và mẹ Ngân cũng không phải giáo viên dạy Văn. Theo Ngân, bí quyết học của em cũng như nhiều môn khác là “cố gắng tập trung vào những bài giảng của thầy cô trên lớp, tìm đọc thêm sách vở, tài liệu có liên quan”. Do không được học chuyên môn Văn nên em vẫn thường hay mua sách đọc, mượn vở các bạn chuyên Văn để bổ sung cho vốn kiến thức của mình.
Tuy nhiên, theo chúng tôi nền tảng và vốn kiến thức Văn học của Ngân được tích lũy từ bé qua những câu chuyện hằng ngày, hằng đêm mà ông nội kể cho Ngân. Ngày được tin điểm Văn 9,75 “Ngân vội chạy sang khoe với ông nội trước tiên”, ba Ngân kể. Không phải hồi nhỏ mà đến nay, mỗi khi về thăm nhà vào dịp cuối tuần, Ngân vẫn chạy sang năn nỉ ông nội kể chuyện. Nội đã kể cho em nghe hàng ngàn câu chuyện, cho em đọc rất nhiều sách nhưng nay lớn rồi em vẫn thích những câu chuyện ma do nội kể, Ngân chia sẻ.
Hội đồng giám khảo cho biết, bài văn của Ngân kín 12 trang giấy, chữ viết rất đẹp, sạch sẽ. Bài thi đặc biệt này được chấm qua 4 vòng: giám khảo 1 cho 8,25 điểm, giám khảo 2 cho điểm 10, chấm độc lập vòng 3, giám khảo cho 10 và cuối cùng bài thi được đưa ra hội đồng chấm với sự tham dự của trên 75 người trong đó gần phân nửa đồng ý điểm 10, số còn lại cho 9,5. Hội đồng nhất trí cho điểm 9,75.
Nguyễn Phú Cường
Chàng thủ khoa đa năng

Khi cậu học trò người Tiền Giang Nguyễn Phú Cường, lớp chuyên Toán Trường Phổ thông Năng khiếu, đạt cùng lúc 2 danh hiệu thủ khoa tuyệt đối 30 điểm khối A và á khoa khối B của trường ĐH Khoa học tự nhiên không làm thầy cô, bạn bè ngạc nhiên vì “Cường đa năng” đã có một bảng thành tích học tập đáng nể. Cường là HS xuất sắc suốt 12 năm liền và đoạt các giải thưởng: giải 2 học sinh giỏi lớp 5, giải 2 học sinh giỏi Toán lớp 9, HCB kỳ thi Olympic Toán học tại Singapore, giải tiên tiến kỳ thi Hóa Hoàng gia Úc, giải 2 TPHCM môn Vật lý…
Nguyễn Phú Cường chọn cách học nắm vững kiến thức căn bản để giải những bài tập chuyên sâu làm phương pháp học tập. Hằng ngày, Cường dậy thật sớm để đọc kỹ sách giáo khoa, tài liệu liên quan đến môn học trước khi lên lớp để ghi nhớ những chỗ chưa hiểu. Khi vào lớp, Cường đem những chỗ chưa hiểu ra nhờ thầy cô giảng kỹ lại, nhờ đó, Cường nắm vững các kiến thức căn bản, lý thuyết. “Mỗi khi gặp những bài toán “hóc búa”, Cường và nhóm bạn cùng lớp tập trung bàn luận, “cãi nhau một trận” là ra kết quả ngay. Học nhóm rất hiệu quả”, Cường bật mí.
Tuy là “dân tự nhiên” nhưng Phú Cường không hề học lệch, Cường còn “siêu” ở các môn xã hội. Mỗi ngày, Cường học xen kẽ các môn Văn, Sử, Địa vào các môn tự nhiên, chủ yếu là đọc sách để nắm được cái “hồn”, cốt yếu nhất của từng sự kiện, tác phẩm, mà không học vẹt thuộc lòng. Khi được bạn bè phong biệt danh Cường “đa năng” bởi sự nhiệt tình tham gia văn nghệ và tài nấu nướng… Cường chỉ bẽn lẽn: “Sống trọ ở thành phố một mình để đi học nên cái gì cũng phải biết chút ít”, còn thời gian giải trí, với Cường “học là chơi, vừa chơi vừa học”.
Thủ khoa kép Nguyễn Tử Mạnh Cường
Cú “đúp” ngoạn mục

Yêu thích nghiên cứu sinh học, tự nhiên và có “máu” kinh tế, cậu học trò chuyên Lý Trường THPT Nguyễn Du (Buôn Mê Thuột-Đắc Lắc) quyết định ghi danh thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Ngân hàng TPHCM – những trường có điểm chuẩn thuộc hàng “top”. Thật bất ngờ, thằng bé Cường mồ côi cha ngày nào đã làm thỏa lòng mong đợi của mẹ, họ hàng và người dân phố núi về tấm gương hiếu học khi “rinh” trọn 6 “con 10” và đỗ thủ khoa tuyệt đối 2 trường ĐH danh tiếng.
Song, với Cường, đó không phải là may mắn ngẫu nhiên, mà là kết quả của quá trình phấn đấu học tập với nhiều “chiêu thức” riêng. Phương châm đầu tiên của Cường là bám sát sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô trên lớp. Cường luôn đặt mục tiêu trong “tầm ngắn” cho vừa sức, tập trung làm hết bài tập trong sách giáo khoa, nắm vững phương pháp giải từng dạng bài tập trong sách.
Thuộc và hiểu lý thuyết, công thức là cách tốt nhất để làm bài tập. Cường tranh thủ thuộc lý thuyết ngay tại lớp, về nhà chỉ tập trung giải những bài tập khó. Để tránh bị “tẩu hỏa”, Cường thường học bài xen kẽ với làm công việc nhà phụ mẹ, chăm sóc cây cảnh – cũng là sở thích của Cường – để “xả” bớt căng thẳng. Một nguyên tắc cứng mà Cường luôn tuân thủ là không bao giờ để thiếu ngủ, nhất là trước các kỳ thi lớn luôn phải ngủ đủ giấc đảm bảo tinh thần thoải mái, tập trung trong thời gian dài làm bài.
Bật mí về bí quyết dẫn đến cú “đúp” ngoạn mục đạt điểm tuyệt đối cả 2 khối A và B trong kỳ thi ĐH 2008, Cường tự tin: “Cứ bình tĩnh! Với các môn trắc nghiệm, phải giải quyết nhiều câu hỏi trong thời gian ngắn càng đòi hỏi sự bình tĩnh và quyết đoán. Một mẹo nhỏ là không làm bài theo thứ tự từ đầu đến cuối dễ mất thời gian, nên đọc kỹ đề và xác định những câu dễ làm trước.
Phần lớn thời gian còn lại sẽ dồn lực suy luận, lựa chọn giải các câu hỏi khó. Nên cẩn thận kiểm tra bài làm nhiều lần trước khi nộp để tránh những sai sót nhỏ”. Đó là bí quyết giúp tân thủ khoa Nguyễn Tử Mạnh Cường thành công trong 12 năm THPT với nhiều giải thưởng: HCV Olympic 30/4, giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý…, và trên con đường học vấn sau này…
TIÊU HÀ – THANH HÙNG