Đường dây sử dụng thẻ ATM giả rút tiền ngân hàng

Những tội phạm “đầu xanh”

Những tội phạm “đầu xanh”

Chiều qua 2-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng chuyên án triệt phá đường dây làm giả thẻ ATM để rút tiền từ các ngân hàng quốc tế bằng việc bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Nguyễn Đình Cường (SN 1986, ngụ tại 274 Cách Mạng Tháng 8, phường 10, quận 3, TPHCM).

Điều đáng nói từ vụ án này là hầu hết đối tượng phạm tội còn rất trẻ, đang theo học chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học và đều… không nghèo!

  • Mua xe hơi riêng từ tuổi 18!

Hôm qua 2-1, những người chứng kiến việc CQĐT bắt khẩn cấp Nguyễn Đình Cường (liên quan đến đường dây làm giả các loại thẻ MasterCard, VisaCard, Amex để rút tiền từ các ngân hàng quốc tế) đều tỏ ra ngạc nhiên, tiếc rẻ… vì Cường vốn là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Quốc tế TPHCM, con của một chủ đại lý bia làm ăn phát đạt…

Những tội phạm “đầu xanh” ảnh 1

Nguyễn Đình Cường (giữa) bị bắt khẩn cấp vào ngày 2-1-2006.

Lúc công an dẫn giải Cường về đọc lệnh bắt, khám xét nơi ở của Cường, chị Thuận - bán nước ngọt đầu hẻm nói với giọng tiếc nuối: “Thằng Cường sao lại bị bắt hả chú, nó bình thường ngoan hiền lắm, suốt ngày chỉ thấy đi học…”.

Lực lượng công an đã phát hiện chỗ ở của Cường có một máy in thẻ giả. Ba của Cường, ông Nguyễn Tuệ Giác cho PV SGGP biết, xe hơi Mitsubishi Jolie 2.0 là do Cường tự mua hơn 1 tháng qua với giá gần 20.000 USD, xe máy Piagio X9 cũng vậy.

“Nó bảo xe nó mua là nhờ tiền của bạn gái nó đưa, nó mua về kêu tôi đứng tên giùm đến giờ vẫn chưa có giấy phép lưu hành. Ai ngờ cớ sự là như thế này, nhà tôi có mình nó là con…” - ông Giác kể.

  • Kiếm nhiều tiền để “se sua”

Trong khi đó, Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986, người được xem là kẻ chủ mưu trong vụ án này, vốn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM) cũng là con nhà khá giả. Từ tháng 7-2005, Tuấn bỏ học ra Hà Nội thành lập Công ty cổ phần giải trí R.C chuyên kinh doanh các trò chơi giải trí và tổ chức biểu diễn nghệ thuật với chức danh chủ tịch HĐQT công ty.

Để có tiền tiêu xài, Tuấn cùng một số bạn bè giỏi “công nghệ thông tin” mua được qua Internet một đầu máy ghi thẻ từ và mẫu thẻ nhựa trắng để làm thẻ giả. Tiếp đó, nhóm lập một trang web giả danh là một tổ chức trung gian của một số ngân hàng lớn của nước ngoài có nhiệm vụ “bảo mật các thông tin trên thẻ tín dụng”, sau đó gửi thông báo tới một số chủ thẻ tín dụng người nước ngoài yêu cầu các chủ thẻ này gửi thông tin của họ vào trang web này rồi sử dụng các dữ liệu đó để làm thẻ tín dụng giả.

Từ tháng 10 đến tháng 12-2005 chỉ riêng Tuấn đã làm 30 thẻ tín dụng giả, rút trót lọt trên 800 triệu đồng. Riêng Nguyễn Mạnh Linh (ngụ phường 13, quận 10, đã bị bắt vào ngày 27-12-2005) lại là người “mê” xài đồ hiệu - từ cây kem đánh răng cho đến xe máy (Honda SH trên 100 triệu đồng)…

Số tài sản này, Linh khai có được từ tiền “chôm” của ngân hàng gần 950 triệu đồng. Tương tự, Tô Phúc Hậu (bị bắt ngày 30-12-2005 tại TPHCM) cũng khai báo với CQĐT rằng số tiền kiếm được thông qua việc làm thẻ giả chủ yếu để dùng vào khoản “tình phí” và… sửa nhà để ở cho “giống người ta”…  

NGUYỄN VINH

Thông tin liên quan:

Máy in thẻ ATM giả được mua ở một nước Trung Đông

Bắt khẩn cấp thêm 1 đối tượng

Bắt thêm 3 người liên quan đến vụ rút tiền bằng thẻ ATM giả

Dùng thẻ ATM giả rút 800.000.000 đồng

Tin cùng chuyên mục