Những tỷ phú Giơ Rai vùng biên

Phá đi tục lệ, thói quen “không tích lũy”, làm được bao nhiêu ăn, uống bấy nhiêu; đến mùa giáp hạt, hạt lúa trong chòi không còn thì vào rừng đào củ mài… Ngày nay, được sự tiếp sức của bộ đội Binh đoàn 15, người dân địa phương đã biết trồng cây công nghiệp, lúa nước; đặc biệt họ đã biết “để dành cho ngày sau”, nhiều người dân Giơ Rai đã giàu lên và trở thành những tỷ phú trong cơ chế thị trường.
Những tỷ phú Giơ Rai vùng biên

Phá đi tục lệ, thói quen “không tích lũy”, làm được bao nhiêu ăn, uống bấy nhiêu; đến mùa giáp hạt, hạt lúa trong chòi không còn thì vào rừng đào củ mài… Ngày nay, được sự tiếp sức của bộ đội Binh đoàn 15, người dân địa phương đã biết trồng cây công nghiệp, lúa nước; đặc biệt họ đã biết “để dành cho ngày sau”, nhiều người dân Giơ Rai đã giàu lên và trở thành những tỷ phú trong cơ chế thị trường.

Bức tranh màu xanh

Phố núi Pleiku sáng trời se lạnh. Ngàn vạn hoa dã quỳ vàng khoe sắc như chào đón tiết trời vào xuân. Chúng tôi đến vùng biên giới Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông của tỉnh Gia Lai, ở đây người Giơ Rai đã làm nên điều kỳ diệu khó nơi nào có được. Từ những bản làng nghèo khó, chỉ trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, bà con đã tập trung lao động, biết tích lũy để làm giàu, nhiều “biệt thự” vườn liên tiếp mọc lên như chứng tỏ sự giàu sang của một vùng “nông thôn mới”. Nhiều đứa con của buôn làng đã biết trồng cao su, cà phê, tiêu, điều… để trở thành tỷ phú.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15, giới thiệu với chúng tôi về “bức tranh màu xanh” hấp dẫn của vùng biên giới Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng. Theo Tư lệnh Đặng Anh Dũng, mặc dù kinh tế năm nay có nhiều khó khăn, cao su mất mùa lại rớt giá nhưng đơn vị vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vườn cây, tuyển công nhân, người lao động dân tộc thiểu số, đầu tư phân bón và công nghệ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. “Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi đã truyền đạt và hướng dẫn cho người lao động những kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, thu hoạch cao su, cà phê, điều và hồ tiêu… và nhiều công nhân người Giơ Rai đã biết làm giàu từ trang trại, vườn tược của mình. Những tỷ phú thuần nông bắt đầu xuất hiện, mở ra một cơ hội lớn “người dân tộc thiểu số đã làm chủ vườn cây của mình”, làm giàu trên làng quê biên giới”, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng tâm sự.

Con đường vào làng Grôn đã được nhựa hóa, hai bên đường là những vườn cà phê xanh tốt nở đầy bông trắng xóa, những rừng cao su bạt ngàn, chạy dài mút tầm mắt. Nắm chặt tay như người thân lâu ngày gặp mặt, già làng Pui Bưa  (ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) cho biết: “Cách đây hơn 5 năm, người dân vùng biên giới này nghèo lắm, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đất đai tuy nhiều nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy cỏ dại do bà con chưa biết tận dụng tốt quỹ đất để phát triển kinh tế gia đình. Đang mãi loay hoay tìm lối thoát nghèo thì dân làng chúng tôi được bộ đội các công ty: 72, 74, 75, 715… của Binh đoàn 15 đến tiếp sức, vừa tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vừa tuyển dụng con em địa phương vào làm công nhân để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biên giới. Hiện nay làng không còn hộ nghèo đói, khoảng 30% hộ trung bình khá, số còn lại là hộ khá và giàu. Ngoài nhận khoán vườn cây, nhiều gia đình đã trồng thêm từ 2 - 5ha cao su, 3 - 5ha điều và cà phê, mì… và thu nhập trung bình mỗi năm từ 150 - 300 triệu đồng, có nhà lên đến cả tỷ đồng”.

Kpui Chel giới thiệu ô tô mới sắm

Không giấu được niềm vui, tỷ phú Kpui Chel (39 tuổi, Đội phó Đội 10, Công ty 75) ở làng Grôn, bộc bạch: “Ngoài chăm sóc, khai thác 2ha cao su nhận khoán, vợ chồng mình còn trồng thêm 4ha cao su tiểu điền, 1,4ha cà phê, 2ha mì, 300 trụ tiêu, 2 hồ cá… Thu nhập một năm từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Có tiền, mình đầu tư cho các con ăn học, xây nhà và mua sắm các vật dụng sinh hoạt; đặc biệt mình mới mua chiếc ô tô gần 300 triệu đồng để đi làm và thỉnh thoảng chở vợ con đi chơi phố xá, hội hè cho vui. Ở làng mình nhiều người cũng có thu nhập cao, như vợ chồng Rơ Lan In, Rơ Lan Lim…”.

Tý phú Ksor Găn (33 tuổi- dân tộc Jơ Rai) ở làng Chan nói như khoe: “Vụ thu hoạch này, riêng cây tiêu cũng thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài nhận khoán 3ha cao su, nhà mình còn trồng thêm 2ha cao su, 1ha mì và 5 sào cà phê… Năm 2015, gia đình mình có doanh thu trên 800 triệu đồng. Vợ chồng mới xây căn nhà to, đẹp nhất làng và mua 6 xe máy tay ga để đi làm và đi chơi”. Nói rồi Ksor Găn cười rất tươi...

Tỷ phú Ksor Găn bên vườn tiêu

Tết này vui hơn

Chiều xuống dần trong hơi lạnh. Chúng tôi tìm về làng Boong, xã Ia Dưk, huyện Đức Cơ, nơi từ lâu đã trở thành “làng triệu phú” và anh Brao, cán bộ Công ty 75, người Jơ Rai đầu tiên ở Tây Nguyên mua két sắt về đựng tiền sau vài vụ thu hoạch. Trong ngôi nhà 2 tầng nằm giữa khuôn viên xanh nhiều cây trái, tiếp chúng tôi, anh Brao thân mật cho biết:  “Học được “cái khôn” của bộ đội, mình và người dân ở đây chuyển đổi nương rẫy lâu nay chỉ tỉa lúa, trồng mì sang trồng cà phê, cao su, điều… Hiện nay, Brao đã có hơn 10ha cao su, 7ha cà phê và 3ha điều, một vụ thu hoạch trừ chi phí còn hơn 1 tỷ đồng. Số tiền thu được mình đầu tư vào sản xuất, cho con cháu ăn học và gửi tiết kiệm để cho đồng tiền “đẻ” nhiều thêm…”.

Cũng như những gia đình khác, già làng Rơ Mah Chiu cũng mới xây nhà “5 mái” lợp tôn đỏ, trông rất đẹp. Ông cho biết: “Nghe bộ đội nói, làm theo bộ đội nên đến nay dân làng Boong đã trồng được trên 300ha cao su, gần 200ha cà phê, điều và nhiều loại cây ăn quả khác. Gia đình Mrao, KpuiƠ và nhiều gia đình khác trong làng, mỗi năm thu nhập cả tỷ bạc. Đồng bào Giơ Rai ở làng Boong nói riêng, vùng biên giới Gia Lai nói chung bây giờ đổi thay nhiều quá rồi, nhờ bộ đội Binh đoàn 15 tiếp sức đó; những thành quả có được, nhiều người cứ ngỡ như mơ. Kpui Chel, Brao, Rơ Mah Chiu, Ksor Găn… là những tỷ phú đầu tiên trên vùng biên giới. Tết Bính Thân năm nay, ở vùng biên giới này chắc chắn cũng sẽ tấp nập, nhộn nhịp không khác các phố thị ở đồng bằng là mấy…”.

Xuân đang về, nắng xuân phơi mình trên những cánh rừng hồ tiêu, cà phê, cao su xanh tốt và trĩu quả. Vùng biên giới xác xơ, heo hút ngày nào giờ đang vươn mình phát triển...

Lê Quang Hồi

Tin cùng chuyên mục