Những vở kịch “quân xanh quân đỏ” chính là những “mỏ” tiêu cực trong đấu thầu

Phân tích 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu, trong đó có “những vở kịch quân xanh quân đỏ”, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng đây chính là những “mỏ” tiêu cực.

 

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: VIẾT CHUNG

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; sáng 8-11, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập đến những sai phạm phổ biến trong công tác đấu thầu hiện nay. “Cần ngăn chặn 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu”, nữ ĐB nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho biết, qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu. Đó là: chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để “chèn” thầu quen; thiết lập liên minh "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

Những vở kịch “quân xanh quân đỏ” chính là những “mỏ” tiêu cực trong đấu thầu ảnh 1 ĐBQH tham dự phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo ĐB, những vở kịch "quân xanh, quân đỏ" trong đấu thầu chính là những “mỏ” tiêu cực. Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cần hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là với các sự việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

“Công khai là giải pháp của mọi giải pháp”, nữ ĐB nhấn mạnh. Cụ thể, theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ “6 công khai” trong đấu thầu, gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.

Cần tăng cường đấu tranh triệt phá tội phạm ma túy

ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum)
ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum) và một số ĐB khác bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tình hình tội phạm về ma tuý. Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chức năng trong phòng chống vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng thời gian qua, song ĐB Phạm Đình Thanh cho biết, cử tri hết sức lo ngại khi tội phạm ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch. Nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép xuất hiện, công tác quản lý người nghiện còn bất cập, hạn chế.

Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng buôn người qua biên giới, gây nên nhiều vụ việc xôn xao dư luận. “Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài”, ĐB Phạm Đình Thanh kiến nghị.

ĐB cũng nhấn mạnh yêu cầu chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng; thực hiện hiệu quả, chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.

Những vở kịch “quân xanh quân đỏ” chính là những “mỏ” tiêu cực trong đấu thầu ảnh 3 ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)
ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cũng phản ánh, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19, thể hiện qua việc phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần…

Tin cùng chuyên mục