Nhượng quyền thương mại sẽ bùng nổ?

Nhượng quyền thương mại sẽ bùng nổ?

Việt Nam đang được các chuyên gia nước ngoài đánh giá như là một “thiên đường” của hoạt động bán lẻ. Trong một vài năm tới, hoạt động này sẽ bùng nổ với sự đổ bộ của nhiều nhãn hiệu trong và ngoài nước thông qua phương thức “nhượng quyền thương mại” (Franchising).

  • Franchising – xu hướng tất yếu

Nhượng quyền thương mại sẽ bùng nổ? ảnh 1

Chọn mua thức ăn nhanh tại một cửa hàng Lotteria.

Theo ông Terry Ghani, Giám đốc TGA – Malaysia, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực marketing tại Malaysia, Việt Nam được xem như là một thị trường tiềm ẩn, chưa được khai phá; một nền chính trị ổn định; tỷ lệ người biết chữ cao; một thị trường rất trẻ với 70% dân số dưới 30 tuổi; sức mua ngày càng tăng cao…

Với những ưu thế trên, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thực hiện Franchising. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cũng cho biết, mới đây tập đoàn bán lẻ Wall Mart (Mỹ) đã sang làm việc với ITPC để tìm hiểu, đầu tư vào thị trường Việt Nam dưới dạng Franchising.

Ông Luke Kim, Giám đốc Công ty A.S Louken (Singapore) cho biết, hầu hết những thương hiệu trên thế giới nhượng quyền thành công tại Singapore như các thương hiệu giày da thời trang Charles & Keith, Chapter 2 và một số thương hiệu thức ăn nhanh như Break Talk, Cavana… đều đang có ý định nhắm đến Việt Nam. Thị trường Việt Nam đã bắt đầu chín muồi để các thương hiệu trong và ngoài nước áp dụng Franchising.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp thực hiện Franchising đó là Cà phê Trung Nguyên, bánh Kinh Đô và Phở 24. Ngoài ra, có 6 nhà bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại VN như Bourbon Group, Metro Cash&Carry, Lotteria, KFC, Medicare, Parkson. Theo nhận định của ông Ngô Hán Dân, Giám đốc thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, Franchising sẽ là xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế. Một thương hiệu muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải thực hiện Franchising. Trong 2006 sẽ có khoảng 3 đến 4 thương hiệu trong nước tham gia Franchising.

  • Và kinh nghiệm từ Phở 24

Mới đây, tại cuộc hội thảo về thương hiệu và nhượng quyền thương mại trong ngành công nghiệp bán lẻ do ITPC tổ chức tại TPHCM, có rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn muốn thực hiện Franchising nhưng không nắm rõ kỹ thuật để thực hiện Franchising.

Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) hỏi: Saigon Co.op có thể tham gia vào Franchising được không, bắt đầu từ đâu, nên áp dụng trọn gói hay từng phần? Trả lời vấn đề này, ông Lý Quý Trung, Giám đốc Điều hành An Nam Group và Phở 24 (một trong những doanh nghiệp đã và đang thực hiện Franchising khá thành công) nhìn nhận, Saigon Co.op đã hội đủ điều kiện để Franchising toàn phần. Tự bản thân chuỗi siêu thị của Co.opMart đã nói lên điều đó.

Theo kinh nghiệm của Phở 24, có 4 điều kiện bắt buộc đối với các đối tác mua thương hiệu của Phở 24, đó là tin tưởng tuyệt đối mô hình kinh doanh của Phở 24; am hiểu thị trường từng địa phương; khả năng quản trị điều hành và khả năng tài chính. Muốn như vậy, Phở 24 phải thiết lập được các tiêu chí riêng biệt như phải sạch sẽ, ngon, đẹp – mát, đồng nhất – ổn định, xây dựng đội ngũ chuyên viên về thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho Phở 24…

Chẳng hạn, trong tiêu chí đồng nhất – ổn định, chỉ một chi tiết múc phở phải đảm bảo đủ 6 động tác (như phở phải được cân đúng trọng lượng, đựng trong bao nilon; trụng bánh phở; đổ ra tô, sắp xếp thịt; múc nước phở; thêm gia vị hành, tiêu). Động tác này được áp dụng giống nhau ở tất cả các chuỗi cửa hàng của Phở 24 trên toàn quốc.

Phở 24 cũng không ngần ngại hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho các đối tác khi mua thương hiệu này như đầu tư an toàn, có khách ngay, được sự giúp đỡ của Công ty Phở 24 (từ trước, trong và sau ngày khai trương), dễ vay tiền ngân hàng…. Đến thời điểm này, Phở 24 đã xây dựng được 19 cửa hàng ở trong nước và 1 cửa hàng tại Jakarta (Indonesia), trong đó đã nhượng quyền (hay nói đúng hơn là bán thương hiệu) được 8 cửa hàng.

Mức giá nhượng quyền cho một cửa hàng trong nước là 7.000 USD và ở nước ngoài là 12.000 USD (đó là chưa kể doanh thu 3% trên tổng doanh thu của từng cửa hàng đã chuyển nhượng). Dự kiến trong năm 2006, Phở 24 phấn đấu để đạt con số 50 cửa hàng trên địa bàn cả nước, đồng thời phát triển ra các nước khác như Singapore, Malaysia, Philippines, Australia.

Franchising là cơ hội kinh doanh rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy ở châu Âu, Franchising đã hình thành hàng trăm năm và châu Á cũng đã có thâm niên 30 năm. Riêng Việt Nam, Franchising là loại hình kinh doanh mới xuất hiện trong thời gian gần đây và chắc chắn nó sẽ bùng nổ trong một vài năm tới. Nếu các DN không vào cuộc ngay, sẽ vuột mất cơ hội ngay trên sân nhà.

THÚY HẢI
 

Tin cùng chuyên mục