Nỗ lực hoàn thành hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng

Chủ đề năm 2024 của TPHCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” đã cho thấy quyết tâm rất lớn của thành phố trong thực hiện chuyển đổi số. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Đình Thắng (ảnh), Giám đốc Sở TT-TT TPHCM - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong tham mưu UBND TPHCM về công tác chuyển đổi số.

l2a-2964.jpg

PHÓNG VIÊN: Năm 2024, lần đầu tiên TPHCM sẽ công bố bộ chỉ số chuyển đổi số để đánh giá các sở, ngành, địa phương; đồng thời công bố bộ nhận diện chính quyền số thành phố. Điều này có ý nghĩa ra sao?

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM LÂM ĐÌNH THẮNG: Mục đích cuối cùng của chính quyền số là để hoạt động công vụ nhanh chóng, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Muốn vậy, phải có nhiều cách để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện.

Bộ chỉ số sẽ giúp các cơ quan, đơn vị theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm. Hệ thống đánh giá được vận hành hoàn toàn trực tuyến cho phép các cơ quan, đơn vị theo dõi kết quả theo thời gian thực, từ đó kịp thời điều chỉnh những hạn chế, hướng đến hoàn thành đạt kết quả cao nhất những mục tiêu chung thành phố đã đề ra; đồng thời xác định được các điển hình để từ đó nhân rộng, phổ biến.

Còn bộ nhận diện chính quyền số là cách để truyền thông cho cán bộ, công chức, người dân nhận diện đâu là những sản phẩm, là kết quả của chương trình chuyển đổi số thành phố. Chẳng hạn những nền tảng số, website cung cấp thông tin, những ứng dụng trên môi trường mạng được thực hiện thống nhất và đồng bộ từ hệ thống Chính quyền thành phố. Người dân sẽ có niềm tin tham gia các giao dịch số của chính quyền thành phố. Việc này giúp thúc đẩy các hoạt động giao tiếp với chính quyền, việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng sẽ tăng lên, thúc đẩy xã hội số nói chung và chính quyền số nói riêng ngày càng phát triển.

Hiện TPHCM đang duy trì 14 nền tảng số nhưng việc sử dụng các nền tảng này còn rời rạc, chưa thông suốt. Vậy TPHCM đặt mục tiêu gì để các nền tảng trên đồng bộ hơn?

Việc chuyển sang sử dụng các nền tảng thống nhất toàn thành phố là một bước tiến trong tư duy và phương thức điều hành, tổ chức hoạt động chuyển đổi số của chính quyền thành phố trong những năm gần đây. Các nền tảng dùng chung sẽ giúp hệ thống chuyển đổi số nhanh hơn, tiết kiệm hơn, quan trọng nhất là dữ liệu được đồng bộ, liên thông và chia sẻ.

Thành phố đã đặt mục tiêu phải tiếp tục kiên trì cải tiến và phát huy các nền tảng dùng chung; triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ toàn thành phố vận hành thống nhất trên các nền tảng số này. Các địa phương, đơn vị không sử dụng chung các hệ thống sẽ không được công nhận các kết quả. Quan trọng nhất, các địa phương, đơn vị dùng hệ thống riêng sẽ không thể có dữ liệu chung để giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, thành phố sẽ tiếp tục đặt ra những quy định chung để các nền tảng chung được phát huy, dữ liệu được liên thông, đồng bộ, chia sẻ, hướng đến mục tiêu lớn nhất là đến năm 2025, thành phố sẽ cơ bản vận hành nền hành chính và quản trị thực thi thành phố trên các nền tảng số thống nhất.

Trong năm nay, thành phố tập trung hoàn thành hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng. Người dân, doanh nghiệp được thuận lợi hơn ra sao?

Lĩnh vực đất đai và xây dựng là hai lĩnh vực có khối lượng thủ tục, hồ sơ lớn nhất và phức tạp nhất. Năm 2024, thành phố quyết tâm triển khai hoàn thành 2 hệ thống này với mục tiêu nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công liên quan đến quản lý đất đai và cấp phép xây dựng trên môi trường số.

Các hệ thống này nếu được triển khai thành công sẽ giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai và xin giấy phép xây dựng sẽ thuận tiện hơn, tiết kiệm được thời gian và chi phí với thủ tục trực tuyến, giảm thời gian đến cơ quan nhà nước. Thông tin quá trình xử lý sẽ hoàn toàn công khai, minh bạch để lãnh đạo và người dân giám sát. Toàn thành phố sẽ dùng chung các nền tảng nên dữ liệu của người dân, doanh nghiệp được đồng bộ, thông suốt, từ đó, người dân, doanh nghiệp không phải khai báo nhiều lần và được quản lý thống nhất trên toàn địa bàn thành phố.

Mặt khác, hệ thống góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, các hệ thống này thực sự rất lớn và phức tạp. Để các hệ thống hoàn thành và hoạt động hiệu quả, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm rất lớn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.

Hoàn thành hệ thống thông tin quản lý đất đai và giấy phép xây dựng được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm nay. Việc hoàn thành các hệ thống này là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính của TPHCM

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM LÂM ĐÌNH THẮNG

Bên cạnh những thuận lợi và quyết tâm, TPHCM có gặp khó khăn gì trong việc vận dụng các quy định để thực hiện chuyển đổi số, thưa ông?

Hiện nay cả nước đang thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên tiến độ thực hiện ở các địa phương, bộ ngành cũng như vấn đề nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, người dân khác nhau, dẫn đến việc cải cách thể chế, điều chỉnh các quy định pháp luật còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chưa đồng bộ, chưa theo kịp, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số. Việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý là yếu tố then chốt để đảm bảo chuyển đổi số hiệu quả.

Bên cạnh chủ động tháo gỡ các khó khăn, TPHCM đã kiến nghị Trung ương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn; có quy định cụ thể cho các lĩnh vực mới trong chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc triển khai.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần cùng với các địa phương quyết liệt hơn trong việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các bước thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số do nhiều địa phương hiện đang khó khăn về ngân sách, biên chế.

Trang bị thiết bị thông minh cho hộ nghèo

Từ năm 2023, Sở TT-TT TPHCM đã cùng với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức khảo sát các hộ nghèo, từ đó nắm được có 15.000 hộ cần được trang bị thiết bị thông minh.

TPHCM có đặc thù là chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước nên các hộ nghèo không đủ điều kiện để hưởng các chế độ của Chương trình dịch vụ viễn thông công ích, do đó cần có chính sách riêng của thành phố. Hiện sở đang nghiên cứu tham mưu trình HĐND TPHCM thông qua chính sách hỗ trợ cho bà con.

Ngoài ra, sở cũng đang vận động các doanh nghiệp có chương trình miễn, giảm, tặng thiết bị thông minh hoặc các loại gói cước cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục