Nỗ lực khai trường trong mùa đại dịch

Bất chấp diễn biến đại dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, nhiều nước trên thế giới quyết tâm mở cửa trường học trở lại vào năm học mới với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Đây được xem là cố gắng của nhiều chính phủ nhằm đảm bảo duy trì sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh sống chung với dịch.
Kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp tại Cape Town, Nam Phi
Kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp tại Cape Town, Nam Phi

Kêu gọi châu Phi mở cửa trường học

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) kêu gọi chính phủ các nước châu Phi thúc đẩy các biện pháp cho phép mở lại các trường học đã đóng cửa gần 6 tháng qua để ngăn chặn dịch Covid-19. Một tuyên bố chung của hai cơ quan thuộc Liên hiệp quốc này khẳng định, việc đóng cửa các trường học kéo dài chưa từng có đã gây tác hại đối với thanh, thiếu niên các nước châu Phi.

Do đó, WHO và UNICEF đề nghị chính phủ các nước nhanh chóng mở cửa trở lại các trường học một cách an toàn và có biện pháp cụ thể để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong môi trường học đường. “Trường học đã mở đường thành công cho nhiều người châu Phi”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi nói, đồng thời cho rằng trường học cũng cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho nhiều trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông, chúng ta không được mù quáng trước những nỗ lực ngăn chặn Covid-19 để rồi tạo ra một thế hệ bị thua thiệt về giáo dục. Một cuộc khảo sát của WHO đối với 39 quốc gia châu Phi cận Sahara cho thấy, chỉ có 6 quốc gia mở cửa trường học đầy đủ, 19 quốc gia mở một phần và 14 quốc gia đóng cửa hoàn toàn. Ngoài ra, 12 quốc gia có kế hoạch tiếp tục việc học tại trường vào đầu năm học mới (tháng 9).

Anh sẵn sàng, Mỹ e dè

Theo AP, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang yêu cầu các bậc phụ huynh dẹp bỏ nỗi sợ hãi và cho con cái họ đi học trở lại vào tháng 9 tới khi các trường học ở Anh mở cửa hoàn toàn lần đầu tiên kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 làm các trường phải đóng cửa hơn 5 tháng trước. Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh, các nhà chức trách hiện nắm vững hơn về việc phòng ngừa lây lan Covid-19 so với thời điểm Anh phong tỏa toàn quốc vào ngày 23-3.

Bình luận của ông Johnson được đưa ra vài giờ sau khi các quan chức y tế công cộng hàng đầu của Anh đưa ra tuyên bố chung nói rằng trẻ em có nhiều khả năng bị tổn hại khi nghỉ học hơn là tiếp xúc với Covid-19. Các nghiệp đoàn đã yêu cầu chính phủ của ông Johnson đảm bảo rằng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy trình bảo vệ khác được áp dụng để đảm bảo sự an toàn của học sinh và nhân viên.

Tại Mỹ, trong nhiều tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em đã tăng lên 90%, theo một phân tích gần đây của Học viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng Mỹ. Một số trường hợp nhiễm Covid-19 đã xuất hiện ở các trường học tại Florida, Georgia và Mississippi trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu các lớp học. Lo ngại về sự lây nhiễm Covid-19 trong hàng chục nghìn sinh viên và giáo viên ở nhiều bang đang thúc đẩy các quan chức chuyển sang học trực tuyến toàn phần hoặc một phần. Nhưng cũng không ít trường lên lịch khai giảng trở lại. Quyết định thời điểm và cách thức mở trường là một nhiệm vụ khó khăn.

Một số bang như Rhode Island thông báo hoãn lịch khai giảng năm học thêm 2 tuần nữa cho đến ngày 14-9 vì cần thêm thời gian để chuẩn bị. Theo một phân tích của CNN, ít nhất 27 trong số 101 trường học lớn nhất của Mỹ đã quyết định hoãn các lớp học trong tuần đầu tiên của tháng 9.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23-8 đã cấp phép khẩn cấp cho các bác sĩ sử dụng huyết tương từ bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi như một phương pháp điều trị đại dịch khiến hơn 176.000 người Mỹ thiệt mạng. Huyết tương được cho là có chứa các kháng thể mạnh mẽ có thể giúp chống lại bệnh nhanh hơn và bảo vệ người bệnh tránh bị tổn thương nghiêm trọng. Các chuyên gia hiện vẫn còn tranh luận về mức độ hiệu quả của huyết tương, thậm chí cảnh báo về khả năng sản phẩm này có thể gây ra tác dụng phụ.

Tin cùng chuyên mục