
Đó là “Ở đâu có anh hùng” (tác giả Trường Sơn, đạo diễn Minh Hải) của sân khấu kịch Sài Gòn và “Về đời” (tác giả Vương Huyền Cơ – Thanh Hoàng, đạo diễn Thanh Hoàng) của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần…

Lê Quốc Nam và Bảo Châu trong vở “Ở đâu có anh hùng”.
Thêm vở “Ở đâu có anh hùng”, khán giả nhận thấy một sân khấu kịch Sài Gòn đang dần tạo dựng phong cách riêng. Đó là việc đi sâu đề cập đến những vấn đề mà xã hội đang quan tâm như chuyện người mẫu, ca sĩ tha hóa trước sức hút của đồng tiền, sẵn sàng bán rẻ danh dự (vở “Sự cám dỗ dịu dàng”); chuyện những cô gái lấy chồng Đài Loan, rời bỏ quê nghèo đến nơi đất khách quê người mong được đổi đời nhưng kết cục lại là một cuộc sống bị ngược đãi, hành hạ và tất nhiên là không hạnh phúc (vở “Em lấy chồng xứ lạ”, “Điệp khúc chồng xa”); chuyện một số cán bộ ở các cơ quan công quyền làm việc quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, hành dân (vở “Quả bom điếc”).
Và vở “Ở đâu có anh hùng” vừa ra mắt tuần qua, kể về một thanh niên có tấm lòng nhân hậu nhưng vô tình vì lòng nghĩa hiệp, anh đã chuốc họa vào thân, bị bọn côn đồ truy sát “thừa chết, thiếu sống”, bị dồn ép đến mất việc làm… Hướng giải quyết của đạo diễn không lạ, đi đúng tâm lý, sự kỳ vọng của mọi người đó là cái xấu cuối cùng cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vở kịch được dàn dựng giản dị, cảnh trí đơn sơ nhưng người xem thực sự bị cuốn hút.
Khác với kịch Sài Gòn, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đi vào một đề tài khá khô khan và kén khán giả hơn. Đó là đề tài về các học viên cai nghiện. Vở diễn được ra mắt với cái tên “Về đời” và không ngờ lại tạo được ấn tượng với khán giả bởi đậm nét nhân văn.
“Về đời” được “thai nghén” từ những chuyến đi phục vụ học viên cai nghiện tại các trường, trại trong và ngoài thành phố của 2 tác giả Vương Huyền Cơ – Thanh Hoàng, cùng anh em diễn viên của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Chính từ những chuyến đi thực tế này đã mang lại cho “Về đời” chất chân thực, tình cảm và gần gũi.
Bên cạnh việc lên án, tác giả không quên ca ngợi những con người dám hy sinh hạnh phúc, tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc các học viên cai nghiện, giành lại từng số phận lầm lỡ. Khán giả không quên được hình ảnh của một cô gái trẻ trung, xinh đẹp (Việt Hà) quyết tâm rời xa thành phố, rời xa người yêu để đến làm phó giám đốc một trung tâm cai nghiện nơi rừng núi.
Đó là một trong hàng trăm nguyên mẫu có thật ở các trường trại. Thực hiện vở diễn này, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần không chỉ nhằm mục đích doanh thu mà cao hơn, các nghệ sĩ sân khấu 5B hy vọng góp một tiếng nói chung, tác động đến tinh thần những học viên đang cai nghiện. Nhà hát sẽ mang “Về đời” đến tận từng trường trại, trung tâm trong và ngoài thành phố để biểu diễn phục vụ trong thời gian tới.
Đỗ Hạnh