Nỗ lực tăng quỹ đất xây trường

Sau khai giảng năm học mới, TPHCM tiếp tục chạy đua với thời gian hoàn thành các dự án xây dựng trường học để tăng thêm chỗ học cho người dân. Với 35.000 học sinh tăng thêm trong năm học này, các địa phương tìm đủ mọi cách tăng thêm quỹ phòng học, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh, TPHCM) trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường Tiểu học Rạch Già (huyện Bình Chánh, TPHCM) trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học mới 2023-2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều dự án được hoàn thành

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2023-2024, toàn thành phố đưa vào sử dụng thêm 48 dự án xây dựng trường học với 672 phòng học mới. Trong đó, trước ngày 5-9, 27 dự án đã hoàn thành với 441 phòng học, từ đây đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 21 dự án đưa vào sử dụng với 231 phòng học mới. Tính đến cuối tháng 8-2023, TPHCM đạt 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), tuy nhiên tỷ lệ này chưa đồng đều ở các quận, huyện.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, từ nay đến năm 2025, ngành giáo dục thành phố đặt mục tiêu xây mới 4.500 phòng học, gồm 3.000 phòng học đầu tư từ nguồn ngân sách và 1.500 phòng học từ các nguồn xã hội hóa. Trong bối cảnh thiếu quỹ đất xây trường, TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 13 (ngày 26-5-2020) về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học theo hướng cho phép các dự án xây mới trường học nâng giới hạn về tầng cao, đồng thời tính diện tích bình quân/học sinh theo diện tích sàn xây dựng, tăng số lượng lớp/trường học.

Trước đề xuất này của TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Hạ chuẩn xây dựng sẽ khiến nhiều địa phương không còn ưu tiên quỹ đất cho giáo dục. Do đó, trong điều kiện khó khăn, các địa phương nên kiên trì, phấn đấu thực hiện chứ không nên đề nghị hạ chuẩn để đạt chuẩn, “gọt chân cho vừa giày” vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận một số quy định hiện nay cần xem xét điều chỉnh như quy định sĩ số chuẩn 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học trong khi mỗi bàn học bố trí 2 học sinh, hoặc quy định trường học không bố trí tối đa 30 phòng học dù điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có thể đáp ứng 35-40 lớp… Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét các tiêu chí mở, phù hợp đặc thù riêng của các địa phương có tỷ lệ dân số cơ học tăng cao, khó khăn về quỹ đất xây trường.

Huy động nguồn lực xã hội

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hàng năm, TPHCM tăng thêm từ 20.000-30.000 học sinh. Nhiều năm qua, để đảm bảo đủ chỗ học cho người dân, nhiều trường học phải hy sinh phòng chức năng, tận dụng hội trường, cải tạo phòng bộ môn làm phòng học.

Người đứng đầu ngành giáo dục thành phố thừa nhận, đó chỉ là biện pháp tạm thời vì nếu duy trì lâu dài sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Năm học 2022-2023, nhiều quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân sử dụng phương án “phòng học động”, bố trí học sinh của trường này học tạm tại các phòng trống của trường kia hoặc 2 lớp học sử dụng chung một phòng nhờ thời khóa biểu sắp xếp linh động giữa các lớp.

Giải pháp này một mặt giúp tăng thêm chỗ học, song cũng nảy sinh nhiều bất cập như học sinh tiểu học dùng chung bàn, ghế với học sinh THCS với chiều cao không phù hợp, tổ chức dạy học cả thứ bảy để đảm bảo đủ số tiết/tuần. Về lâu dài, các địa phương cho biết cần có giải pháp căn cơ để tăng số lượng phòng học, đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tới đây, để hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng mới trường học. Trong đó, phương án “trường học dã chiến” được xem xét tại các khu vực đông dân cư nhưng số lượng trường học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các trường này hoạt động trong thời gian nhất định từ 5-10 năm, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học trước khi trường học mới khang trang được xây dựng.

Ngoài ra, theo một đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, cùng với việc tăng quy mô hệ thống trường công lập, sở này đang tham mưu UBND TPHCM nhiều chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập như ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính… nhằm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức đối tác công tư, kích cầu, xã hội hóa. Thay vì đầu tư xây mới một trường học mất nhiều thời gian và nguồn lực, nên tận dụng điều kiện sẵn có của các trường ngoài công lập, giúp các trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh.

So với năm học 2022-2023, tổng dự án xây mới trường học đưa vào sử dụng trong năm học này giảm 3 dự án với hơn 200 phòng học do khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh không có hộ khẩu thành phố tăng dần qua các năm học, hiện nay chiếm hơn 20% tổng số học sinh toàn thành phố dẫn đến áp lực lớn về chỗ học, tập trung ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn…

Tin cùng chuyên mục