Nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng, tác động của BĐKH ngày càng rõ ràng, đặc biệt là đối với các quốc gia quần đảo như Indonesia.
Xe buýt điện chạy thử nghiệm ở Jakarta trong năm 2020. Ảnh: Jakarta Globe
Xe buýt điện chạy thử nghiệm ở Jakarta trong năm 2020. Ảnh: Jakarta Globe

Người dân Indonesia, trong đó trực tiếp là ngư dân đang chịu một tác động cụ thể của BĐKH là tình trạng nước biển dâng. Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ xây dựng được 20.000 làng khí hậu, những ngôi làng có thiết kế nhằm chống các tác động tiêu cực của BĐKH. Hiện Indonesia đang ra sức biến điều này thành hiện thực với hàng loạt dự án xây tường ven biển chắn sóng, chống ngập; phát triển năng lượng tái tạo…

Mới đây, công ty dầu khí quốc doanh PT Pertamina và các doanh nghiệp nhà nước khác thuộc Tập đoàn pin Indonesia đã tập trung mọi nguồn lực phát triển hệ sinh thái xe điện (EV). Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời Chủ tịch, Tổng Giám đốc Pertamina, bà Nicke Widyawati, cho biết, Pertamina sẽ đảm bảo các giai đoạn trong quá trình phát triển hệ sinh thái pin EV hoạt động trơn tru. Trong năm nay, Pertamina và hai doanh nghiệp nhà nước khác sẽ bắt tay thành lập liên doanh.

Theo bà Widyawati, Pertamina đã hợp tác với hai công ty toàn cầu và đang hướng tới hợp tác sâu hơn với các công ty khác trong lĩnh vực này. Một lĩnh vực tiềm năng khác cho ngành công nghiệp pin ở Indonesia là hệ thống lưu trữ năng lượng phục vụ các nhà máy điện Mặt trời. Trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái và ngành công nghiệp pin EV, ba doanh nghiệp nhà nước của Indonesia sẽ thực hiện 7 giai đoạn chính gồm khai thác mỏ, tinh chế, nhà máy tiền chất, nhà máy sản xuất cực âm pin, pin, bộ nguồn pin và tái chế.

Indonesia đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về BĐKH toàn cầu vào năm 2016 và đặt mục tiêu 23% loại hình giao thông vận tải của nước này sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2025. Để tuân thủ các mục tiêu của hiệp định, xe buýt chạy xăng sẽ được thay thế bằng xe buýt điện. Điều này tạo ra thị trường cho ngành công nghiệp ô tô cạnh tranh.

Những lo ngại về các vấn đề xe điện cũ hiện đã được giải quyết. Yannes Pasaribu, giảng viên thiết kế công nghiệp và là thành viên của nhóm nghiên cứu xe điện tại Viện Công nghệ Bandung, đã giải thích khái niệm này một cách chi tiết hơn: “Những hạn chế trước đây của xe điện như phạm vi di chuyển nhỏ và thời gian sạc lâu không còn là vấn đề nữa. Xe điện có nhiều ưu điểm hơn so với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Xe điện có thể được sạc tại nhà thay vì ở trạm xăng, đồng thời mang đến một chuyến đi êm ái và thoải mái hơn. Ngoài ra, pin lithium có tuổi thọ từ 20-30 năm, so với tuổi thọ của ô tô là 10-15 năm. Do đó, pin có thể được tái sử dụng để dự trữ năng lượng tại nhà sau khi ô tô không còn hoạt động.

Giám đốc điều hành Công ty Bakrie Autopart chuyên sản xuất xe buýt điện ở Indonesia, Dino Ryandi, cho rằng, trở ngại duy nhất hiện nay là xe điện quá đắt, nhưng ông dự đoán hầu hết phương tiện giao thông đường bộ sẽ sử dụng điện trong vòng 10-15 năm tới: “Cuối cùng, chúng ta - với tư cách là những công dân toàn cầu - phải chọn hoặc là lái con đường ít rủi ro, hoặc lao thẳng vào một tương lai tồi tệ”.

Tin cùng chuyên mục