
Sau một thời gian tồn tại mờ nhạt, thậm chí đôi khi chỉ là cho có, cuối năm 2007 đầu năm 2008, hệ thống 24 thư viện quận huyện tại TPHCM đang lặng lẽ chuyển mình theo hướng mới nhằm thu hút bạn đọc quay lại với thư viện công cộng.
- Tìm kiếm sự đổi mới
Trong hội nghị về mạng lưới thư viện tại TPHCM vừa qua, Thư viện quận 10 nhận được đông đảo sự chú ý của các đơn vị khác do đây là đơn vị đầu tiên trong mạng lưới Thư viện TP xây dựng được hệ thống cổng điện tử. Từ nay, bạn đọc của Thư viện quận 10 muốn tìm sách chỉ cần truy cập vào cổng thông tin, chọn cuốn sách muốn đọc là có thể biết thư viện còn sách hay không, mã số sách và điều quan trọng nhất là bản tóm tắt nội dung của sách giúp bạn đọc có sự lựa chọn.

Sự thay đổi của Thư viện quận 10 đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá hoạt động thư viện của các quận huyện hiện nay. Thay vì như trước đây, các thư viện thường bị động, ngồi chờ bạn đọc theo kiểu ai đến thì đón tiếp không thì ngồi chơi. Các thư viện quận huyện bây giờ liên tục bung ra thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hút bạn đọc như tổ chức các kỳ thi vẽ cho thiếu nhi, kể chuyện theo sách… Chính nhờ các cuộc thi cấp thư viện như trên mà vòng chung khảo cuộc thi "Nét vẽ xanh" do Thư viện KHTH TPHCM tổ chức trong năm 2007 đã có số thí sinh tham dự tăng gấp rưỡi so với năm 2006, còn vòng thi cấp thành phố chương trình Kể chuyện sách có tới 3.000 em thiếu nhi từ các thư viện quận, huyện tham dự.
Bên cạnh hoạt động cho thiếu nhi, Thư viện quận 6, quận 10 còn nâng cấp loại hình phục vụ như hỗ trợ tìm tin tức trên máy tính, sử dụng máy đọc sách điện tử Victor Reader… Tất cả hoạt động đó đều nhằm mục tiêu thu hút bạn đọc đến với thư viện.
- Lời giải cho bài toán kinh phí
Sự đổi mới theo hướng phục vụ bạn đọc của các thư viện quận huyện đã mang lại một làn sóng mới trong mạng lưới thư viện công cộng của TP. Tuy nhiên theo bà Hà Kim Dung, phụ trách mạng lưới thư viện công cộng quận huyện tại TPHCM thì: "Dù có sự thay đổi nhưng vấn đề kinh phí vẫn là bài toán khó giải đối với các thư viện quận huyện". Quả thật, ngay cả các thư viện có mức kinh phí hàng năm thuộc loại cao như quận 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận với mức hơn 60 triệu đồng cũng chỉ đủ trang trải hoạt động và mua những đầu sách, báo thuộc loại cần thiết nhất. Trong khi ngoài xã hội, sách ngày càng nhiều và đa dạng, thị hiếu đọc của người dân càng phát triển thì sách của thư viện quận huyện lại vừa ít vừa cũ, sách mới thiếu cả về chất lượng lẫn số lượng dẫn đến tình trạng các thư viện quận huyện đang bị xem là ngày càng lạc hậu, kém hấp dẫn bạn đọc.
Trong tình hình đó, Thư viện KHTH TPHCM trở thành chỗ dựa chính cho các thư viện quận huyện. Tại đây có một kho sách luân chuyển dành riêng cho mạng lưới thư viện công cộng với hơn 20.000 bản sách cập nhật thường xuyên. Số sách này chỉ tạm đáp ứng một phần nhu cầu của các thư viện công cộng chứ không thể giải quyết hết mọi nhu cầu. Chính vì thế, một điều mà hầu như tất cả thủ thư các thư viện công cộng hiện nay mong muốn là có thể trao đổi sách mượn liên thư viện. Làm được điều này, sách bạn đọc yêu cầu nếu thư viện không có sẵn có thể liên hệ với thư viện khác để mượn. Theo bà Hà Kim Dung, một hệ thống như vậy đang được xây dựng nhưng cần đòi hỏi sự nâng cấp từ cơ sở vật chất đến năng lực chuyên môn của các thủ thư.
- Hoạt động độc lập - lối thoát của thư viện công cộng?

Cả hai vấn đề cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn cũng đang là vấn đề khó của các thư viện công cộng quận huyện hiện nay. Về cơ sở vật chất thì hiện nay tất cả các thư viện công cộng tại TP đều trực thuộc các Trung tâm VH quận huyện. Sự tồn tại này đang nảy sinh ngày càng nhiều mâu thuẫn về cơ sở vật chất và nhân sự.
Các khu vực tốt nhất trong Trung tâm VH luôn phải dành cho các hoạt động nổi bật, có thể mang lại lợi nhuận như biểu diễn, các phòng học văn thể mỹ (thể hình, khiêu vũ…), thư viện thường bị đẩy vào một góc, chật chội, gò bó và xa cách, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thư viện đòi hỏi sự thoáng mát, gần gũi. Vấn đề nhân sự cũng gặp nhiều trở ngại, có nơi ban lãnh đạo trung tâm quan tâm đến thư viện nên lượng nhân sự được chú ý cả số lượng và chất lượng chuyên môn nhưng nhiều nơi nhân sự chỉ để cho có với chỉ vỏn vẹn một người như tại các quận 2, 4, 8, 12, Bình Tân và huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Nếu bận đi họp... thư viện xem như đóng cửa.
Thành công của các thư viện quận huyện tại một số địa phương đang được xem là lối mở cho hoạt động thư viện công cộng. Các thư viện huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Định Quán (Đồng Nai) sau khi tách ra hoạt động rất hiệu quả, thu hút lượng bạn đọc lớn đang trở thành hình mẫu cho các thư viện công cộng tại TPHCM
TƯỜNG VY