Nở rộ dịch vụ chọn nghề cho con qua… vân tay

Nở rộ dịch vụ chọn nghề cho con qua… vân tay

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục chuyền tay nhau những mẫu quảng cáo về công nghệ “sinh trắc vân tay”, một trong những dịch vụ mới du nhập vào Việt Nam khoảng hai năm qua, với những lời chào mời rất “có cánh” như “công nghệ giải mã nhân tài”, “đánh thức khả năng thiên bẩm cho trẻ”… Tuy độ chính xác của công nghệ này chưa được ai kiểm chứng, chi phí cho mỗi lần thực hiện dịch vụ lại không hề rẻ, vậy nhưng phụ huynh vẫn nô nức đưa con đi kiểm tra…

Tốn 3 triệu đồng chỉ để “đọc cho vui”

Thử gõ cụm từ “sinh trắc vân tay” trên trang công cụ tìm kiếm google, chúng tôi thấy có đến 44.300 kết quả, song đa phần trong đó là những website do các công ty mở ra nhằm giới thiệu dịch vụ còn nhiều mới mẻ này. Thời điểm đầu năm 2014, khi dịch vụ “sinh trắc” lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh của một trường cao đẳng thuộc hàng có tiếng trên địa bàn TPHCM, nhiều phụ huynh còn tỏ ra e dè với dịch vụ này. Tuy nhiên từ đó đến nay, hàng loạt công ty tư vấn giáo dục, trung tâm đào tạo năng khiếu, thậm chí có cả một số văn phòng tư vấn tâm lý, trung tâm phong thủy đã cùng nhảy vào cạnh tranh thị trường đang rất béo bở này, với nhiều hình thức quảng cáo như tổ chức hội thảo, tư vấn miễn phí cho phụ huynh, làm cho con nhưng khuyến mãi thêm vận mệnh cho cha mẹ, giảm giá khi phụ huynh đăng ký từ hai bé trở lên...

Hình ảnh quảng cáo dịch vụ “sinh trắc vân tay” trên một trang mạng xã hội.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ một số trung tâm làm ăn không đàng hoàng thì tất cả công ty mở loại hình dịch vụ này đều tuân theo một quy trình sẵn có. Đó là yêu cầu khách hàng (người có nhu cầu “sinh trắc vân tay” - PV) đưa cả 10 đầu ngón tay vào máy quét, sau khi xử lý bằng phần mềm chuyên dụng, hình ảnh này sẽ được gởi sang Malaysia để phân tích. Sau khoảng thời gian trên dưới một tuần tùy vào mỗi trung tâm, phụ huynh sẽ nhận được một bảng báo cáo, phân tích dày hơn 30 trang giấy, trong đó mô tả rất cụ thể tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, các chỉ số EQ, IQ, AQ, CQ cũng như khả năng vượt trội của bé. Tổng chi phí cho một lần ngồi vào máy quét và được tư vấn tâm lý (sau khi gia đình nhận được kết quả) khoảng hơn 3 triệu đồng. Nhưng nếu đăng ký từ 2 người trở lên giá chỉ còn 2,6 - 2,8 triệu đồng/bé/lần lấy vân tay.

Chị Hà Minh, một thành viên tham gia cộng đồng mạng Eva.vn (trang mạng dành cho những chuyên mục về đề tài làm mẹ, chăm sóc gia đình), cho biết theo rủ rê của nhiều người, chị cũng tò mò đưa con trai 8 tuổi đi làm dịch vụ “sinh trắc vân tay” tại một trung tâm tư vấn giáo dục ở quận 3. Tuy nhiên khi nhận được kết quả, chị thấy lo nhiều hơn vui vì định hướng gia đình muốn con theo ngành y hoặc kế toán nhưng báo cáo phân tích lại nói con chị không có nhiều khả năng trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Trái lại bé có thiên hướng về ngôn ngữ, thích hợp với các công việc liên quan đến viết lách, diễn thuyết… Song dù lo lắng nhưng gia đình đã xác định là hãy còn quá sớm để xác định nghề nghiệp tương lai cho con, bảng phân tích “sinh trắc” chỉ mang tính chất tham khảo và đã được chị Minh xếp gọn vào tủ.

Trường hợp khác, một phụ huynh có con đang học tiểu học ở quận 7 cho biết, do chưa yên tâm về kết quả “sinh trắc” của công ty đầu nên chị quyết định cho con làm lại dịch vụ này tại một trung tâm khác. Kết quả cho thấy báo cáo của hai nơi có nhiều điểm không tương đồng, thậm chí trái ngược khiến chị hoang mang, không biết tin vào kết quả nào là chính xác.  

Phụ huynh cần cảnh giác

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khoa học nghiên cứu về vân tay đã xuất hiện trên thế giới từ năm 1926, hiện nay được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, thể dục thể thao… tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, chỉ cần thủ tục cấp phép đầu tư và mua lại bản quyền phần mềm sinh trắc vân tay, các công ty có thể vô tư hoạt động mà chưa có một cơ chế giám sát, quản lý rõ ràng, khiến chất lượng dịch vụ mỗi nơi một kiểu. Bên cạnh đó, tuy không thể phủ nhận những cơ sở khoa học cũng như tính đầu tư nghiêm túc của loại hình dịch vụ này, nhưng theo cảnh báo của nhiều chuyên gia giáo dục, phụ huynh không nên quá tin tưởng vào kết quả của những bảng phân tích này, nhất là khi trẻ còn ở độ tuổi quá nhỏ. Thay vào đó, hãy để các cháu phát triển tự nhiên, tự do chọn lựa những môn học mình yêu thích. Ba mẹ chỉ đóng vai trò góp ý, cho con thêm những lời khuyên hữu ích nhưng lựa chọn ngành nghề vẫn thuộc về quyền quyết định của con, tránh tạo ra áp lực hay cấm đoán trẻ làm bất cứ điều gì bởi tương lai là điều rất khó đoán khi các cháu còn nhỏ. 

Thêm vào đó, theo cô Nguyễn Thị Kiều Trinh, giáo viên một trường tiểu học ở quận 12, phụ huynh cần biết cách sắp xếp thời gian quan tâm, gần gũi con, giúp con phát hiện ra những năng khiếu, sở thích để từ đó xác định tương lai phù hợp. Bởi chính phụ huynh chứ không ai khác sẽ là người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của con mình. Suy cho cùng, “sinh trắc vân tay” cũng giống rất nhiều phương pháp giáo dục khác như Montessori, Glenn Doman…, đôi khi có thể áp dụng cho trẻ này nhưng không phù hợp với trẻ khác. Do đó, cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ và lựa chọn thời điểm áp dụng phù hợp để tránh tạo áp lực lên con trẻ.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục