Liên quan vụ một học sinh lớp 1 nghi bị xâm hại tình dục ngay tại Trường Tiểu học L.T.V. (quận Thủ Đức), mấy ngày qua, ngoài văn bản đề nghị UBND quận Thủ Đức sớm chỉ đạo công an quận, chính quyền địa phương nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM Lê Hồng Sơn còn chỉ đạo Phòng Giáo dục tiểu học của sở cử lãnh đạo và chuyên viên xuống làm việc với trường học sinh này đang theo học để có biện pháp hỗ trợ tâm lý, ổn định tinh thần, giúp em tiếp tục việc học tập. Lộ trình thực hiện dự kiến sẽ kéo dài một thời gian đến khi nào có kết quả tốt. Động thái nói trên của Sở GD-ĐT được xem là cần thiết, qua đó gián tiếp nhắc nhở tất cả đơn vị trường học trên địa bàn TP quan tâm hơn công tác tư vấn tâm lý, phối hợp tốt với gia đình trong việc hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn.
Mẹ cháu bé nghi bị xâm hại ở trường tiểu học trên địa bàn quận Thủ Đức cung cấp thông tin báo chí
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao sự việc đã xảy ra từ giữa tháng 2-2017 nhưng mãi gần một tháng sau đó, khi phụ huynh gửi đơn tố cáo khắp nơi thì cơ quan quản lý mới vào cuộc?
Đáng nói hơn, Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức ngay khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra đã sớm có báo cáo khẳng định học sinh này chỉ bị té do đùa giỡn, chứ không bị xâm hại vùng kín như gia đình phản ánh. Riêng trường tiểu học, nơi lẽ ra chịu trách nhiệm chính khi học sinh “bị chảy máu vùng kín trong giờ học” (dù với bất kỳ nguyên nhân nào), nhưng từ lúc vụ việc được báo chí phản ánh đến nay, lãnh đạo nhà trường luôn thể hiện thái độ né tránh, thậm chí hạn chế tiếp xúc báo chí và phụ huynh. Trong đó, trước hàng loạt khiếu nại của phụ huynh như vì sao camera đột ngột mất dữ liệu ngay thời điểm học sinh bị chảy máu một cách đáng ngờ, hay giáo viên chủ nhiệm, hoặc bảo mẫu đã làm gì khi phát hiện em này bị chảy máu… đều không được nhà trường quan tâm trả lời thỏa đáng.
Trước đó, trong vụ một học sinh bị gãy chân do bị ô tô chở cô hiệu trưởng tông ngay tại sân Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), mặc dù kết quả giám định thương tật của học sinh này sau tai nạn là 32%, nhưng không một thành viên nào trong hội đồng sư phạm dám dũng cảm đứng ra làm chứng hoặc đề nghị được hỗ trợ gia đình trong việc ổn định tâm lý, đền bù thương tật cho em.
Xa hơn nữa, trong vụ một học sinh nữ bị bỏng mức độ 3 tại phòng thí nghiệm của Trường THPT P.Đ.P. (Hà Nội), những lời thăm hỏi, quan tâm của ban giám hiệu chỉ đến sau khi em này chia sẻ hình ảnh thương tật cũng như lời tâm sự buồn của mình trên mạng xã hội, điều mà lẽ ra với lương tâm và trách nhiệm của mình, những người có trách nhiệm đã phải làm với em ngay sau buổi học có tai nạn xảy ra.
Ba vụ tai nạn dù khác nhau về tính chất và mức độ thương tổn thể xác, nhưng đều có chung một điểm giống nhau. Đó là sự im lặng đến đáng sợ của những người có trách nhiệm, là sự phẫn nộ của phụ huynh cũng như những xáo trộn nghiêm trọng về mặt tinh thần, ảnh hưởng quyền lợi trong tương lai của chính học sinh. Trường học, nơi lẽ ra đề cao sự công bằng, dạy các em tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, lại ngoảnh mặt, dè sẻn ngay với chính học sinh của mình bốn chữ “cảm ơn” và “xin lỗi”.
Những việc xảy ra như trên đã làm trường học không còn là nơi phụ huynh đặt trọn sự tin tưởng và hài lòng. Một khi sợi dây nối kết giữa gia đình và nhà trường lỏng lẻo sẽ kéo theo hàng loạt hệ quả khôn lường, trong đó người chịu thiệt thòi nhất vẫn là học sinh.
THU TÂM