Quận Phú Nhuận TPHCM

Nơi hiến đất, nơi lấn hẻm…?!

Hiến đất, mở hơn 27 đường, hẻm
Nơi hiến đất, nơi lấn hẻm…?!

Là quận được chọn làm thí điểm về công tác chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự giao thông trên địa bàn, Phú Nhuận đã trở thành một trong những quận đi đầu TPHCM về phong trào vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm. Thế nhưng, bên cạnh đó, không ít con hẻm bị lấn chiếm vẫn như thách thức. Ngày 11-10, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đã tham dự hội nghị trao đổi kinh nghiệm mở rộng đường, hẻm giữa các quận trong cụm thi đua tổ chức tại quận Phú Nhuận để có ý kiến cụ thể về vấn đề này.

Hiến đất, mở hơn 27 đường, hẻm

Nơi hiến đất, nơi lấn hẻm…?! ảnh 1

Người dân hẻm 270/1 đường Phan Đình Phùng tự nguyện hiến đất mở hẻm khang trang. Ảnh: V.H.H.

Năm 2002, khi 14 hộ dân hẻm 270/1 (lộ giới ban đầu là 1,5m), đường Phan Đình Phùng, phường 1 tự động đề nghị UBND phường 1 kết hợp cùng dân làm cống, mở rộng hẻm theo chủ trương “địa phương và nhân dân cùng làm”: kinh phí phường chịu, người dân hiến đất. Sau một thời gian ngắn, con hẻm 270/1 đã được mở rộng gần 4m, đường được bê tông hóa, hệ thống cống ngầm đúng chuẩn đã khiến không chỉ người dân mà lãnh đạo quận Phú Nhuận cũng hân hoan.

Ông Đỗ Phụng Hiệp, Phó Chánh văn phòng quận Phú Nhuận cho biết, khi ấy, toàn quận hơn 600 con hẻm nhỏ (từ 2-4m) đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân và các đơn vị khi lưu thông hay xảy ra cháy nổ. Từ thành công ban đầu ở phường 1, quận nhanh chóng nhân rộng phong trào vận động hiến đất, mở rộng hẻm trong toàn quận. Từ đó, hàng loạt các con hẻm mới được hình thành, như hẻm 96 Phan Đình Phùng, 36 Cù Lao - phường 2; 166 Thích Quảng Đức - phường 4; 68 Lê Văn Sỹ - phường 11; 525 Huỳnh Văn Bánh - phường 14… Riêng hẻm 330 Phan Đình Phùng phường 1, sau khi được mở rộng đã góp phần giải quyết có hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực ngã tư Phú Nhuận.

Đến nay, quận đã triển khai 46 dự án mở rộng đường và hẻm theo phương thức trên. Đã hoàn thành được 27 công trình và đưa vào sử dụng, đang tiếp tục triển khai 19 công trình còn lại. Tổng giá trị công trình người dân đã hiến là trên 10.000m² đất với tổng trị giá không dưới 15.000 lượng vàng.

Và những “khối u” thách thức

Cũng trên con đường Phan Đình Phùng, đập ngay vào mắt người khác là quán cà phê xộc xệch ngay đầu hẻm 41. Bác Hòa, một hộ ngụ trong hẻm bức xúc: Bao nhiêu năm nay nhưng phường rồi tới quận cũng không giải quyết được một trường hợp khó coi này thì làm sao vận động được người dân”.

Tương tự, là hình ảnh nhếch nhác ở hàng loạt con hẻm nhỏ khác trên địa bàn quận: đầu hẻm 63 đường Lê Văn Sỹ - phường 13 còn rộng chừng 4m, đi vào trong càng “teo” chỉ còn hơn 1m. Ở dốc cầu Kiệu ở phường 2, ngay hẻm số 2 cũng bị một cửa hàng bán vật liệu xây dựng “lù lù” án ngữ từ nhiều năm nay. Còn trong con hẻm nhỏ 36 đường Huỳnh Văn Bánh đã có một căn nhà chiếm trọn 1/3 con hẻm và “ăn theo” nó là một quán hủ tiếu lấn ra lề đường…

Tại sao cũng trên một tuyến đường, một phường thôi nhưng lại tồn tại những nghịch lý như vậy? Ông Đỗ Phụng Hiệp thừa nhận là do “công tác quản lý của một số phường vẫn còn lỏng lẻo”. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho biết, hầu hết những căn nhà lấn chiếm hẻm trên đã tồn tại từ trước năm 1975 nên đến nay quận cũng chưa biết xử lý thế nào. Chưa kể, đến năm 1999 thì TP mới có quy hoạch lộ giới hẻm nên trước đó, tình trạng xây dựng lộn xộn như vậy là điều không thể tránh khỏi.

Không để lợi ích cá nhân đặt trên quyền lợi cộng đồng

Ông Phạm Công Nghĩa, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cũng thừa nhận, việc mở hẻm trên địa bàn quận cũng còn nhiều hạn chế. Có những trường hợp cụ thể phải chấp nhận giữ nguyên hiện trạng vì chưa có chính sách để tháo gỡ, nhất là dạng nhà tạo lập từ trước 30-4-1975. Quận đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó việc phải xử lý kiên quyết ngay từ đầu đối với các công trình xây dựng vi phạm, lấn chiếm lộ giới hẻm để thuận lợi hơn cho việc mở rộng hẻm, đường sau này.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của quận nhưng bà thẳng thắn nhận định, việc kiểm tra chặt chẽ quy hoạch, xây dựng của địa phương vẫn chưa chặt. Không riêng Phú Nhuận, ở các địa phương khác, lãnh đạo địa phương không làm nghiêm, tình trạng người dân cố tình lấn hẻm từ từ diễn ra rất nhiều. Điều quan trọng nhất là không thể để lợi ích của một cá nhân lên trên quyền lợi của cộng đồng. Với những trường hợp không chấp hành thì phải xử lý đến nơi đến chốn nhưng phải chặt chẽ, đúng pháp luật. Trường hợp nào thuộc thẩm quyền của UBND TP thì các quận cứ đề xuất, TP sẽ hỗ trợ hoặc kiên quyết xử lý dứt điểm.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục