Nỗi lo phúc lợi

Các nước thành viên ASEAN đã đạt được thành tựu kinh tế ấn tượng sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhưng giờ đây lại đang vất vả chống chọi nguy cơ về an sinh xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Theo báo cáo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Indonesia và Lào lần lượt giảm xuống còn -1% và  -2,5%. Các quốc gia khác như Campuchia, Malaysia và Singapore được dự đoán sẽ giảm trung bình khoảng -4%. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan còn gặp phải những cú sốc nghiêm trọng khi nền kinh tế của họ suy giảm dưới -7%. Việt Nam, Brunei Darussalam và Myanmar có thành tích tốt hơn một chút.

Hiện tượng này thực sự rất đáng lo ngại, đặc biệt là vì các quốc gia này phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, thương mại và ngành du lịch là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khó khăn xảy ra khi nhà nước không thể cung cấp cho người dân sự hỗ trợ đầy đủ. So với các quốc gia thành viên ASEAN khác, Việt Nam và Singapore chịu được tác động của sóng gió do Covid-19 một cách hiệu quả nhờ khả năng quản lý hệ thống y tế công cộng ấn tượng. 

Indonesia là quốc gia có số ca mắc Covid-19 lớn nhất trong khu vực. Việc thiếu sự phối hợp và hỗ trợ của chính phủ trong việc giải quyết đại dịch đã khiến tình trạng kinh tế của đất nước tệ hơn. Việc ban hành Luật Tạo việc làm gần đây nhất có lợi cho các doanh nhân và nhà đầu tư đã gây ra làn sóng phản đối rộng rãi trên toàn quốc đảo này kể từ đầu tháng 10. Tương tự, Philippines cũng phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra khi số lượng thất nghiệp và tỷ lệ nghèo đói tăng lên đáng kể. 

Ở Malaysia, chính phủ phải vất vả đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch sau khi tương đối thành công trong làn sóng thứ nhất. Cuộc sống của nhiều người làm công ăn lương ngày càng khó khăn. Gần đây, việc Quỹ dành cho nhân viên (EPF), cho phép các thành viên của quỹ rút tiền trước khi nghỉ hưu, được giới lao động đánh giá là “ơn trời”. Trước đại dịch, những người Malaysia chỉ có thể rút tiền lương hưu từ tài khoản của mình trước khi nghỉ hưu cho mục đích mua, sửa nhà hoặc cho các trường hợp khẩn cấp. Mới đây, Chính phủ Malaysia cho phép những người hội đủ điều kiện rút một phần tiền lương hưu sớm bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ việc không lương hoặc mất nguồn thu nhập do hậu quả của đại dịch. Những người đủ điều kiện có thể bắt đầu đăng ký từ tháng 12 và số tiền được chấp thuận sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của họ trong tháng sau.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì các chế độ an sinh xã hội trong thời kỳ Covid-19, bộ trưởng về lao động và phúc lợi của các nước ASEAN đã cam kết thực hiện các chính sách đối với những người dễ bị tổn thương, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người già, phụ nữ và đặc biệt là trẻ em. Theo đó, các bộ trưởng sẽ hợp tác chặt chẽ để đảm bảo người dân tiếp cận với an sinh xã hội và phân bổ nguồn lực phù hợp từ quỹ công cho chi tiêu xã hội, bảo vệ quyền, sự an toàn và nhân phẩm của những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.

Tin cùng chuyên mục