Nỗi lòng với ca Huế

Ca Huế từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân xứ Huế. Đó là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian, là một nghệ thuật văn hóa đặc sắc, nổi bật. Có thể nói ca Huế đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế mộng mơ.
Nỗi lòng với ca Huế

Ca Huế từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân xứ Huế. Đó là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian, là một nghệ thuật văn hóa đặc sắc, nổi bật. Có thể nói ca Huế đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế mộng mơ.

Tìm phương cách bảo tồn thích hợp

Sau 30 năm thành lập và phát triển đến nay, Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân đã có trên 60 thành viên. Các tên tuổi như Lê Văn Cần (đàn tỳ bà), Nguyễn Văn Tân (đàn nhị), NSƯT Thái Hùng (đàn nguyệt), Châu Thới (đàn tranh) và các ca sĩ như Minh Tâm, Thanh Tâm, Kim Thành, Quỳnh Hoa, Minh Mẫn, Thanh Hương, Diệu Liên… đã đi vào ký ức nhiều thế hệ khán giả yêu ca Huế. Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân không những đã biểu diễn phục vụ công chúng tại địa phương mà còn lưu diễn khắp cả nước và cả nước ngoài, được bà con kiều bào hoan nghênh nhiệt liệt.

Việc đưa ca Huế xuống sông Hương biểu diễn cũng là ý tưởng của Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân vào giữa những năm 1980. Song đáng tiếc là hiện nay, hiện trạng ca Huế trên sông Hương đang bị “thương mại hóa” trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nên Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân đã nỗ lực tìm kiếm phương cách giữ gìn và bảo tồn mới.

Nghệ sĩ Võ Quê giới thiệu về các tiết mục ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế.

Nghệ sĩ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân cho biết: “Hiện nay, với xu thế phát triển du lịch, lớp trẻ ở Huế học loại hình ca Huế rất nhiều. Thật vui khi có đến 500 nghệ sĩ trẻ đã được đào tạo bài bản và được cấp giấy phép biểu diễn. Chúng tôi cũng đã xúc tiến loại hình ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế để bảo tồn những bài bản lớn của ca Huế. Chúng tôi còn sẽ đưa ca Huế đến biểu diễn tại các trường học của Huế để quảng bá và giữ gìn tốt hơn loại hình âm nhạc truyền thống này”.

Một lần hỏi về ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế, chúng tôi được nghệ sĩ Kim Vàng của đoàn Nhà hát Ca kịch Huế cho biết: “Giữa sông Hương khi nghe ca Huế sẽ khó vào, nhưng đối tượng và không gian như ở bảo tàng thì rất phù hợp. Việc ca Huế có tồn hay không là phụ thuộc vào những mô hình như thế này chứ không phải là mô hình ca Huế trên sông Hương với nội dung chủ yếu là tân nhạc”.

Nghệ sĩ Thanh Tâm, giảng viên lớp tài năng của Học viện Âm nhạc Huế cũng nhận xét thêm: “Khách xem ca Huế trên sông Hương chủ yếu là khách vãng lai và thường là giới trẻ. Họ thưởng thức ca Huế như một món “mì ăn liền”. Thực tế những người biểu diễn ca Huế trên sông Hương hiện nay đều được đào tạo ở trường lớp nhưng phần lớn không ai đạt tới trình độ như ngày xưa”.

Nỗ lực tôn vinh ca Huế

Được biết, nghệ sĩ Kim Vàng và nghệ sĩ Thanh Tâm là hai trong số hơn 60 thành viên của Câu lạc bộ ca Huế - Phú Xuân. Đặc biệt, nghệ sĩ Thanh Tâm đã học ca Huế từ năm 12 tuổi, chủ yếu dựa trên truyền khẩu chứ không theo trường lớp bài bản. Nhưng nhờ đam mê và lòng yêu nghề, nghệ sĩ Thanh Tâm đã trở thành một nghệ nhân ca Huế nổi tiếng.

Nói về đam mê ca Huế của mình, nghệ sĩ Thanh Tâm nhớ lại: “Gia đình tôi có ba đời theo nghiệp ca Huế. Đó là ông nội tôi, cha tôi, anh trai tôi và tôi. Đặc biệt, cha tôi là Phan Hữu Lễ là một nghệ nhân ca Huế tài năng. Lúc 12 tuổi, tôi được học tuồng, múa bông chúc và cả ca Huế. Sau giải phóng, từ diễn tuồng tôi chuyển sang ca Huế và mang duyên nợ với ca Huế cho đến giờ. Tôi rất mong muốn các thế hệ đi sau học hỏi nhiều hơn để phục vụ du khách tốt hơn, chuyên nghiệp. Đáng buồn là nhiều em chỉ muốn học cho nhanh để hát kiếm tiền. Bởi vậy, số lượng học viên học ca Huế thì nhiều nhưng số trưởng thành lại rất ít”.

Nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2014, chương trình “Âm sắc Hương Bình” được tổ chức tại sân Nghinh Lương Đình, trước bến Phu Văn Lâu, TP Huế lần đầu tiên đã tôn vinh giá trị của nghệ thuật ca Huế với các tiết mục đặc sắc như Non nước Hương Bình, Giã gạo đêm trăng, Ngọn lửa tình yêu… Trước đó một ngày, 400 nghệ sĩ cũng đã diễu hành từ bến thuyền Tòa Khâm đến Cổ nhạc từ, nhà thờ Tổ ca Huế tại đường Nguyễn Trãi, TP Huế nhằm mục đích tri ân và tôn vinh các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, những con người suốt cả cuộc đời đã cống hiến cho nghệ thuật ca Huế và các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, viếng mộ các bậc tiền bối của nghệ thuật ca Huế.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng đã tổ chức các đêm diễn ca Huế thính phòng phục vụ miễn phí khán giả. Các lực lượng chức năng liên ngành ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tập trung chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.

Mới đây, vào ngày 22-9-2015, với việc ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị dân tộc và “rất Huế” này.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Tin cùng chuyên mục