
Đánh giá hoạt động giao thông 9 tháng đầu năm 2005 trên địa bàn thành phố của Ban An toàn giao thông TPHCM khá lạc quan. Toàn thành phố chỉ xảy ra 7 vụ ùn tắc (30 phút không thể di chuyển được tính là 1 vụ), giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2004. Tuy nhiên, hơn một tuần qua, gọi điện đến báo SGGP, nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc: “Ở đâu… đi lại cũng khó quá!”.
- Ùn... và kẹt

Khu vực cầu Sài Gòn thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Sáng 27-9, bạn đọc có số điện thoại 091371… kêu trời: “Kẹt xe ở đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận) gần nửa giờ rồi”. Theo nhiều cư dân tại đây, kẹt xe bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng, cả dòng xe đang di chuyển trên đường Thích Quảng Đức bỗng nhiên phải dừng lại cho tàu lửa tuyến Bắc-Nam chạy ngang. Bị nén lại bất ngờ nên khi tàu lửa đi qua, dòng xe ào lên “như nước vỡ bờ”. Mọi người không ai chịu nhường ai và hậu quả tất yếu: Kẹt xe.
Hôm đó, gần giao điểm này lại có một công trường đào đường, chiếm gần 1/2 chiều rộng mặt đường (đường Thích Quảng Đức chỉ rộng 7 - 8m) nên những “chuyên gia” thoát kẹt xe giỏi nhất cũng đành… chịu trận. Và rồi như một phản ứng đô-mi-nô, dòng xe lưu thông trong cả khu vực bị ứ lại… Phải gần 1 giờ sau, trật tự an toàn giao thông ở đây mới được vãn hồi.
Đường Lê Quý Đôn (quận 3) vốn ít khi bị ùn tắc, nay cũng bị kẹt xe liên tục mà nguyên nhân là do ô tô đậu dọc 2 bên đường, chiếm hết lối đi. Vào giờ cao điểm, để qua được giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, người dân cũng phải đợi 3 đến 4 lần chuyển đèn thay vì 1 - 2 lần như trước. Ngã ba Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long cũng thường xuyên bị kẹt xe mỗi khi Trường Ngoại ngữ Dương Minh tan lớp…
Trên các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng… vào giờ cao điểm, dòng ô tô đậu thành hàng dài hơn 300m. Các loại xe 2 bánh di chuyển thuận tiện hơn nhưng cũng phải nhích từng mét một. Theo Phòng Cảnh sát giao thông TPHCM, toàn thành phố hiện có 17 “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
- Cái gì cũng... thiếu
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các vụ ùn ứ và ùn tắc giao thông thường xảy ra do: đường không đủ, thiếu sự điều phối của ngành chức năng và ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa tốt.
Thực tế, TPHCM hiện rất thiếu đường. Trong đó phần lớn là đường nhỏ, chỉ có 14% số đường có lòng đường rộng trên 12m, 51% số đường có lòng đường rộng từ 7m - 12m, còn lại dưới 7m. Đường cho nhu cầu đi lại trước đây đã thiếu, đến thời điểm hiện nay lại càng thiếu hơn. Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, mỗi ngày mặt đường thành phố hiện phải tiếp nhận thêm 100 ô tô và 452 xe gắn máy 2 bánh. Đó là chưa kể một lượng xe không nhỏ từ các nơi khác đến.
Để đáp ứng sự gia tăng này, mỗi ngày thành phố phải xây thêm 1.723 m2 đường. Đây rõ ràng là chuyện không thể và đang được xem là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra các vụ kẹt xe trong thời gian qua. Nhất là vào dịp cuối năm, khi nhiều đơn vị có nhu cầu đào đường để lắp đặt các công trình ngầm thì diện tích đường lại càng bị thu hẹp.
Trong tình hình đó, vai trò điều phối giao thông của lực lượng cảnh sát càng quan trọng. Thế nhưng lâu nay, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM luôn than… thiếu người. Chưa kể, vào dịp cuối năm là CSGT phải tập trung xử lý hàng loạt các vụ việc như: xe quá tải tại bến cảng, xử phạt người chưa đủ tuổi tham gia lưu thông, xử phạt xe xích lô, ba gác lưu thông không đúng quy định, chống đua xe, chấn chỉnh việc đội nón bảo hiểm… nên người lại càng thiếu. UBND TP cũng đã “bổ sung” người bằng cách “tăng quân xanh” - những trật tự viên thuộc lực lượng TNXP. Nhưng dường như những lúc xảy ra kẹt xe, ùn tắc giao thông thì chỉ có “áo vàng” của CSGT mới đủ lực để vãn hồi trật tự.
Hệ thống đèn tín hiệu giao thông - phương tiện có thể thay CSGT điều phối giao thông trên đường, thời gian gần đây cũng có vấn đề. Thành phố mới lắp đặt 121 đèn; trong đó có 17 chốt độc lập không kết nối mạng mặc dù tín hiệu truyền dẫn vẫn thể hiện trên màn hình tại trung tâm nhưng lại hay xảy ra sự cố đứt bóng đèn hoặc cháy mạch. Người thiếu, máy móc hoạt động không ổn định cộng với ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân thành phố còn chưa tốt thì chuyện ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.
Chưa hết, những ngày cuối năm, nhu cầu vận tải tăng lên, ngành đường sắt phải tăng thêm tàu… cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng điều đáng nói là tuyến đường sắt chạy trong thành phố lại đi ngang qua các trục đường có lưu lượng giao thông rất cao như Nguyễn Kiệm, Thích Quảng Đức, Nguyễn Văn Trỗi… Và dù thời gian mỗi chuyến tàu đi qua các trục đường này chỉ kéo dài từ 2 - 3 phút/tùy độ dài của tàu nhưng cũng đủ làm cho giao thông trong khu vực bị ùn ứ. Hiện Bộ GT-VT đã tính đến giải pháp đưa hệ thống đường sắt này lên cao, tránh giao cắt với đường bộ, thế nhưng mọi kế hoạch vẫn dừng ở mức nghiên cứu bởi chi phí để làm việc này không nhỏ.
Bao giờ thành phố hết kẹt xe? Một câu hỏi khó trả lời trong bối cảnh còn quá nhiều bất cập như vậy. Tuy nhiên trước mắt để hạn chế vấn nạn này, thành phố nên tăng cường lực lượng CSGT, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và ngành GTCC phải giữ cho “đường thông, hè thoáng” thì mới hy vọng hạn chế được tình trạng đi đâu cũng… kẹt.
NGUYỄN KHOA - ĐOÀN HIỆP