
Từ thành phố Vinh, chiếc xe của Công ty Du lịch Nghệ An đưa chúng tôi đi trên quốc lộ 1 tiếp theo là quốc lộ 8. Đây là con đường huyết mạch nối liền khu vực miền Trung của Việt Nam với nước Lào anh em.

Ảnh: TL
Dòng sông La ôm trọn xã Sơn Kim thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh núi non trùng điệp, đường đèo vòng vèo khúc khuỷu với những vực sâu. Cung đường này chạy dài tới 18km, nhiều đoạn bị sụp lở do trận lũ quét vừa qua đang được các công nhân sửa chữa lại mới tới cửa khẩu Cầu Treo nằm sát biên giới hai nước. Từ cửa khẩu phải đi tiếp 335km mới tới thủ đô Viêng Chăn. Con đường tráng nhựa chỉ vừa đủ cho hai xe ô tô tránh nhau khá là tốt, kẹp giữa những dãy núi đá vôi với nhiều hình dạng kỳ thú cùng với những khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ có lẽ lên tới trăm tuổi tạo nên sự tương phản giữa núi đá cùng màu xanh đậm đặc đến dễ chịu. Lâu lâu lại thấy những cánh đồng lúa chín vàng nằm sát những dãy núi và rừng thấp thoáng những căn nhà sàn bằng gỗ với mái hình chóp nón, đặc trưng cho kiến trúc Lào.
Viêng Chăn tháng 11 là tháng đẹp nhất trong một năm vì tiết trời khô lạnh dịu mát và cũng là mùa trăng tròn. Hàng năm, vào tháng này, lễ hội Thạt Luông được tổ chức trọng thể theo lễ nghi của nhà nước. Đây là lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm. Các con đường chạy về Viêng Chăn nhộn nhịp, tấp nập khách thập phương đổ về. Tại thủ đô, từ chợ Sáng chạy dài theo đại lộ Lang Xiang tới đài Độc Lập sau đó tới ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng Thạt Luông. Thạt Luông có nghĩa là Tháp Lớn, một công trình kiến trúc tiêu biểu của Lào nằm giữa trung tâm thủ đô. Về ban đêm, tháp được chiếu sáng rực rỡ tạo nên sự lung linh huyền ảo.
Trung tâm tháp là một khối tháp lớn vươn lên cao như một mũi tên, bệ tháp là đài hoa sen hình vuông đang nở xòe cánh màu vàng hướng về bốn phía, chân bệ tháp là những nấc vuông, càng lên cao càng nhỏ thon lại sau đó lại phình lớn ra làm chỗ đứng vững vàng cho khối trụ hình trái bầu. Quanh tháp có 30 ngọn tháp nhỏ sơn vàng hình dáng giống như đỉnh của tháp lớn làm người ta thấy một sự hài hòa, cân đối. Quây quần chung quanh tháp Thạt Luông gồm rất nhiều chùa nhỏ, mỗi ngôi chùa đều có những phong cách kiến trúc khác nhau.
Lễ hội kéo dài ba ngày ba đêm, được mở đầu bằng lễ tắm Phật, theo đó lễ dâng cơm, cầu phúc cuối cùng là giảng kinh Phật. Đêm cuối lễ hội là lễ rước nến. Trong đêm đó, quảng trường Thạt Luông rộng trên 10ha lung linh trăm ngàn ánh nến. Kiệu hoa, dù lọng trang hoàng rực rỡ theo sau là đoàn người già trẻ, gái trai trong trang phục truyền thống đẹp nhất tay bưng tráp bằng bạc cùng hương hoa kính cẩn tiến vào chùa cầu mong mọi sự tốt lành, hạnh phúc. Thạt Luông không chỉ linh thiêng về tôn giáo.
Cũng chính ở quảng trường này đã chứng kiến một sự kiện lịch sử chính trị: Ngày 23-8-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân thủ đô Viêng Chăn cùng nhân dân cả nước đã nổi dậy giành chính quyền từ chế độ cũ. Ngày 1-12-1975, Đại hội Quốc dân tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Người dân Lào nhẹ nhàng trong mọi việc, không ồn ào, không vội vàng, không bon chen, tính tình hiền hòa và mến khách. Hiếm có nơi nào trên thế giới được như vậy. Đến Viêng Chăn, đi đâu ta cũng thấy chùa chiền vì người Lào theo Phật giáo. Nhà sư luôn được người dân tôn kính. Sông Mê Kông ôm trọn thủ đô Viêng Chăn và bên kia bờ sông là đất Thái Lan – TP Noọng Khai thuộc tỉnh Uđon. Khi màn đêm buông xuống, nỗi nhớ những ngày ở Viêng Chăn lại ập đến…
NS Trần Mùi