
Gần 18 giờ 30 phút tối qua 22-4, tại TP Cao Lãnh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân mới phát biểu kết thúc hội nghị giao ban lần thứ 3 (sau 8 tháng phát động cuộc vận động “2 không”: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Tại hội nghị, kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT sắp tới chiếm trọn mối quan tâm của hầu hết các đại biểu.
Sẽ có thi tốt nghiệp kỳ 2 và thanh tra ủy quyền

Học sinh lớp 12 các trường THPT ở TP Cần Thơ tìm kiếm thông tin tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã “làm nóng” hội trường bằng thông tin: “Năm nay, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT bình thường như mọi năm, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi lần thứ 2 cho các thí sinh không đỗ sau thời gian ôn thi 8 tuần”.
Tiếp lời Bộ trưởng, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã trình bày kế hoạch chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT với nhiều nội dung mới hơn so với mọi năm. Kỳ thi lần này, mỗi hội đồng thi sẽ có 2 thanh tra ủy quyền được tăng cường từ các trường CĐ, ĐH.
Có vẻ như… dị ứng với thanh tra, lãnh đạo các Sở GD-ĐT của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều bàn tới bàn lui chuyện này. Nhiều đại biểu nói vui: “Giống như cử đội đặc nhiệm”.Theo ông Nghĩa, để chống tiêu cực trong thi cử, việc cử thanh tra ủy quyền để giám sát các hội đồng thi là hết sức cần thiết. Do vậy, không thể thiếu bộ phận này. Từ in sao đề thi đến lên điểm, đều có mặt của thanh tra ủy quyền.
Ông Nguyễn Hoàng Nhi - Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp nhẩm tính: “Tỉnh tôi có 32 hội đồng thi, nghĩa là có đến 64 thanh tra ủy quyền. Lo ăn ở, đi lại ra sao? Chưa kể phân công công việc, trách nhiệm, có vẻ… hơi rối!”. Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau bổ sung thêm: “Chỉ đạo bao giờ cũng nghiêm túc, nhưng nói gì thì nói, ở các hội đồng thi sẽ có chuyện này chuyện nọ. Chi phí coi thi cho mỗi giám thị chỉ có 25.000đ/ngày, phải lo tiếp đón thanh tra ủy quyền nữa, rồi quy chế xử lý thi sinh… cần phải có quy định rõ ràng mới tránh chồng chéo”.
Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ thẳng thắn hơn: “Thanh tra nhiều quá có khi làm rối hội đồng thi”. Bà Minh kể: “Ở những lần thi trước, thanh tra hay… ra vẻ ta đây, đã đi là sát thủ, không sát thủ không về” làm các đại biểu bật cười.
Gay góc hơn, ông Huỳnh Thổ - Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh thẳng thừng: “Nếu phân công không hợp lý, giữa hội đồng thi và thanh tra ủy quyền lo “canh me” nhau, càng tệ hơn”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phải “cắt ngang” bằng lời hứa: “Bộ sẽ tập huấn cho thanh tra ủy quyền, ra quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm và kinh phí ăn ở, đi lại là do bộ lo”, nhưng, các đại biểu vẫn còn… băn khoăn.
Thi tốt nghiệp kỳ 2 là thông tin mà các em học sinh THPT quan tâm nhất. Vì sao có thi kỳ 2 và liệu đây có phải là… bệnh thành tích và sẽ kéo dài trong mấy niên học?
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chúng ta làm tất cả vì tương lai các em, hơn thế nữa, là một cách nhận lỗi của ngành giáo dục. Đây chỉ là giải pháp tình thế và sẽ kéo dài đến khi giải quyết xong những hậu quả của bệnh thành tích”.
Theo kế hoạch, sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp lần thứ 1, các em thi rớt sẽ được ôn thi trong thời gian 8 tuần để thi lần thứ 2. Vấn đề đặt ra là đối tượng được thi, thi bao nhiêu môn và thời gian thi kỳ 2 phải diễn ra trước kỳ thi tuyển sinh THCN và ĐH tại chức để các em có cơ hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Phải đợi kết quả 5 cuộc giao ban ở các vùng miền khác, tổng hợp ý kiến mới có hướng dẫn cụ thể về việc này, nhưng tinh thần chung là kỳ thi thứ 2 không có gì khác so với kỳ thi thứ 1”.
“2 không” - cuộc vận động bền bỉ

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trà Nóc (Cần Thơ) trong giờ học tin học. Ảnh: T.M.T.
Không thể trong một sớm một chiều có thể khắc phục được hết những khuyết điểm dai dẳng của ngành giáo dục, nhưng điều đáng mừng là từ khi triển khai cuộc vận động “2 không” đến nay, ở từng trường, từng địa phương, đã có chuyển biến rõ nét.
“Học thực, thi thực” làm lãnh đạo các Sở GD-ĐT không giấu nổi niềm vui, dù địa phương nào cũng phát hiện được con số học sinh yếu kém lên đến hàng ngàn, chưa kể số học sinh ngồi nhầm lớp và những bê bối gần đây trong lĩnh vực này như vụ “hỏi cung” 2 em học sinh ở Đồng Tháp, vụ cắt tóc, phạt học sinh đứng liên tục 2 tiếng đồng hồ, bắt học sinh lên bảng rồi mò túi từng em chỉ vì 1 học sinh khác mất 100.000đ…
Báo cáo về tình hình chống bệnh thành tích, các Sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL cho biết, qua kỳ thi học kỳ 1 vừa rồi, từ kết quả, đã có phân loại, đánh giá. Tại An Giang, học sinh yếu kém sẽ được “dạy thêm” bằng kinh phí của địa phương, giống như… phổ cập. Các tỉnh, thành khác, UBND tỉnh ra chỉ thị thực hiện cuộc vận động này, các ngành có đào tạo đều ký giao ước với ngành giáo dục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “2 không”.
Tuy thế, “bệnh thành tích” vẫn còn tồn tại, cách này hay cách khác, dai dẳng và cố chấp. Ở một địa phương nọ, người ta còn mời giáo viên tận Hà Nội vào để dạy… viết chữ đẹp bằng bút lá tre cho học sinh tiểu học, bắt các em đóng 260.000đ/tháng. Bài học “nâng điểm” ở Bạc Liêu và “bắc thang” ở Hà Tây cũng được nêu lên một cách thấm thía về chuyện chống tiêu cực trong thi cử. Liệu rồi thi kỳ 2, có phải tất cả các em đều đậu như chuyện đã từng xảy ra ở một tỉnh miền Trung?
Làm việc suốt buổi chiều chủ nhật, kéo dài đến tối, nhưng các đại biểu vẫn còn muốn thảo luận thêm, nhằm tìm kiếm những giải pháp tốt nhất, vừa đảm bảo chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT sắp tới, vừa tránh áp lực nặng nề về sự nghiêm túc lên đôi vai phụ huynh và thí sinh, vừa đảm bảo cho các em có hướng đi vào tương lai, tránh những ngã rẽ tiêu cực.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đảm bảo trong thời gian sớm nhất bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc này, đồng thời yêu cầu giáo viên, cán bộ ngành giáo dục không để xảy ra những sự việc như vừa qua, vừa phản sư phạm, vừa làm xấu đi hình ảnh người thầy.
TRẦN MINH TRƯỜNG