Những đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn ẩm ướt kéo dài nhiều ngày ở miền Bắc gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Đáng lo ngại hơn, số người đổ bệnh do thời tiết giá rét gây ra ngày càng nhiều khiến cho nhiều bệnh viện từ các tỉnh miền núi cho tới các bệnh viện ở các thành phố lớn rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân trầm trọng.
Tràn ngập bệnh nhân
... Chiều muộn, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đông kín bệnh nhân. Trong khoa khám bệnh, các dãy ghế ngồi trước cửa các phòng khám không còn một chỗ trống, thậm chí ngoài vườn hoa, cầu thang, hành lang cũng la liệt trẻ ốm. Ngồi thu lu cuối dãy hành lang, ôm đưa con nhỏ khóc ngặt nghẽo đang bọc kín trong chiếc chăn len, chị Nguyễn Thu Hương ở Trung Hòa, Hà Nội lập bập nói: “Trời lạnh quá, người lớn còn không chịu nổi thì làm sao trẻ chịu được. Chắc cháu nó do bị cảm lạnh nên suốt từ đêm qua tới giờ, cháu ho và quấy khóc nhiều quá”.
Ngồi kế bên, chị Huyền ở Kim Bôi, Hòa Bình cho biết: “Cả nhà em chạy xe từ trưa tới giờ mới lên được trên này. Cháu nhà em sốt và khó thở 2 ngày hôm nay rồi, đi khám ở bệnh viện tỉnh, các bác sĩ bảo bị viêm phổi cấp do nhiễm lạnh nên em phải đưa cháu lên trên này để chữa trị”. BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương lo lắng cho biết: Suốt hơn 10 ngày rét mướt qua, ngày nào bệnh viện cũng quá tải, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và khám khoảng gần 3.000 trẻ, tăng hơn 30% so với ngày thường. Đáng lưu ý, trong số đó có đến 1/3 bệnh nhân bị viêm đường hô hấp cấp do trời lạnh. Khoa Hô hấp của bệnh viện có tới gần 200 bệnh nhi bị viêm phổi nặng đang điều trị khiến khoa bị quá tải trầm trọng, tất cả các giường phải nằm ghép.
Không chỉ có Bệnh viện Nhi Trung ương mà tại Bệnh viện Bạch Mai, Lão khoa quốc gia, Tim mạch, Xanh Pôn hay Thanh Nhàn… chỗ nào cũng chật kín bệnh nhân đổ bệnh do giá rét, trong đó nhiều nhất vẫn là trẻ em và người già. Tại Viện Lão khoa quốc gia, những ngày qua, số người cao tuổi nhập viện tăng chóng mặt, bình thường, mỗi ngày tại viện chỉ có khoảng 200 bệnh nhân cao tuổi tới khám nhưng rét đậm, rét hại đã khiến số cụ đổ bệnh phải nhập viện tăng gấp 3 – 4 lần. Đặc biệt, số người già bị tai biến mạch máu não và viêm phổi tăng trên 30%.
Quay cuồng những ngày giá rét
Trùm kín trong chiếc chăn bông ngồi co ro cuối dãy hàng lang bệnh viện Bạch Mai, anh Bùi Minh Tú (ở Cao Phong, Hòa Bình) đang trông bố bị tai biến não do rét gây ra, run run nói: Bệnh tật đã khổ, nhưng ốm đau phải đi viện vào đúng đợt thời tiết giá lạnh như thế này còn khổ hơn nữa. Không chỉ người ốm khổ mà ngay cả người nhà vất vả hơn nữa. Đi đâu cũng phải đùm đùm, bọc bọc nào là quần áo, chăn màn. Thậm chí, có những đêm cả người nhà và bệnh nhân đều thức trắng vì lạnh không chịu nổi…
Quả thực, trong những ngày giá rét này tại rất nhiều bệnh viện ở miền Bắc, từ những bệnh viện ở các huyện miền núi xa xôi của Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn cho tới nhiều bệnh viện ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều rơi vào trình trạng quá tải trầm trọng. Phần lớn các khoa phòng điều trị đều phải nằm ghép 2 - 3 người/giường, trong khi đó các dãy hành lang, sảnh cầu thang hay vườn hoa đều trở thành những chỗ đặt lưng của người nhà bệnh nhân. Ai cũng lập cập, run rẩy, thâm tái vì cái lạnh tê cóng cho dù đã mang thêm nhiều chăn chiếu, quần áo.
TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày rét đậm rét hại, số lượng bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội và nhiều địa phương tới viện khám và phải nhập viện tăng nhanh, có ngày lên hơn 3.500 bệnh nhân tới viện. Bệnh nhân quá tải không chỉ khiến bác sĩ đã phải căng sức làm việc mà bệnh viện cũng phải chuẩn bị nhiều hơn để giúp người bệnh chống rét. Bệnh viện đã tăng cường thêm máy sưởi tại các buồng bệnh, nơi khám bệnh và hệ thống nước ấm cho người bệnh dùng. Đặc biệt, các suất ăn trong được phục vụ tận buồng bệnh, thức ăn đủ ấm và đảm bảo dinh dưỡng.
Do thời tiết giá rét khắc nghiệt kéo dài, nên bệnh viện cũng đã tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà bệnh nhân được mang thêm chăn ấm, máy sưởi vào viện để chống rét. Tại các bệnh viện lớn khác ở Hà Nội, hệ thống máy sưởi, điều hòa nóng và nước nóng cũng phải hoạt hết công suất. Trong khi đó, tại các bệnh viện ở miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn rất thiếu nên các bệnh viện cũng chỉ có thể tăng cường thêm chăn ấm, lắp thêm đèn và bếp sưởi trong phòng điều trị để giúp cho bệnh nhân đỡ rét hơn.
Theo các chuyên gia y tế, để chống chọi với bệnh tật trong những ngày giá rét, những gia đình có trẻ nhỏ phải hạn chế cho trẻ ra ngoài trời chơi, luôn giữ ấm cho trẻ, bổ sung thêm dinh dưỡng và vệ sinh hợp lý cho trẻ. Tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi có biểu hiện ho sốt. Đối với người già việc giữ gìn sức khỏe trong những ngày giá rét là vô cùng quan trọng. Với những người bị bệnh huyết áp cần sử dụng thuốc hàng ngày và đo huyết áp thường xuyên. Người cao tuổi không nên đi tập thể dục ngoài trời trong thời tiết giá lạnh, cần phải mặc ấm liên tục, kể cả lúc đi ngủ
PGS-TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng quốc gia cho biết, trong những ngày giá rét, viện đã tiếp nhận hơn 40 trường hợp trẻ nhỏ được đưa vào cấp cứu vì bỏng nước sôi, bỏng than hoa và lò sưởi do sự bất cẩn của người lớn trong việc sử dụng các thiết bị để sưởi ấm cho trẻ. Đáng chú ý, trong số này có nhiều ca bỏng rất nặng nếu có chữa khỏi cũng vẫn sẽ bị di chứng suốt đời.
Minh Khang