Nông dân trẩy hội

Nông dân trẩy hội

Saranchuk Inna, Trưởng đoàn Flamingo (Nga) ngạc nhiên thốt lên: Nông dân đất nước của bạn đã cho chúng tôi khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật.

14 giờ ngày 9-6, thời tiết tại thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền), nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 15km nóng như đổ lửa nhưng dòng người vẫn ào ào “trẩy hội” về sân khấu nhà văn hóa trung tâm thị trấn, nơi sắp diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt do các nghệ sĩ đến từ đất nước Nga biểu diễn.

Hàng vạn người dân hào hứng đón xem các nghệ sĩ Nga biểu diễn. Ảnh: V.THẮNG

Hàng vạn người dân hào hứng đón xem các nghệ sĩ Nga biểu diễn. Ảnh: V.THẮNG

Chúng tôi rất xúc động khi bắt gặp hình ảnh cụ già khoảng 80 tuổi tay dẫn hai cháu nhỏ từ xã Quảng An đi bộ hơn 5km đến xem các nghệ sĩ Nga biểu diễn. Cụ Hoa thật thà: Mỗi lần đến Festival Huế, chúng tôi lại kháo nhau cả đời đầu tắt mặt tối, gặp diễn viên ta còn khó chứ Tây thì... trong mơ! Hôm qua, nghe đài xã thông báo có đoàn nghệ sĩ nước ngoài về Sịa... Mệt cũng phải đến xem cho biết diễn viên Tây thế nào!”.

Tại thôn Dổi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, đồng bào dân tộc Cơ Tu bỏ cả cơm để tận mắt ngắm chân dung chính mình qua triển lãm ảnh với chủ đề các dân tộc thiểu số Việt - Lào - Campuchia của Sébastien Laval (Anh) ở nhà văn hóa của thôn. Ở huyện A Lưới, bà con PaKô, Vân Kiều quyết tâm bám trụ cả ngày trời ở nhà văn hóa huyện xem cho được chương trình nghệ thuật do Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp biểu diễn.

Thú vị hơn, nông dân huyện Hương Trà sau khi xem xong các tiết mục nghệ thuật của đoàn Yangpyeong (Hàn Quốc) biểu diễn, không chịu về nhà mà vây quanh, nằng nặc yêu cầu các nghệ sĩ diễn lại... Đáp lại, các nghệ sĩ trong đoàn dù đã lên xe ô tô về Huế đã xuống xe nán lại thêm gần hai giờ, tiếp tục biểu diễn.

Lần đầu tiên hàng ngàn người dân vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Phú Lộc, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, A Lưới đã có dịp thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật và tham gia Festival Huế như người dân sống ở thành thị.  

Festival Huế 2010 đã gần đến chặng cuối, thành công của mùa lễ hội lần này có một phần đóng góp lớn lao của các đoàn nghệ thuật quốc tế. Trong số họ, có những người đã từng gắn bó với Huế ngay từ Festival đầu tiên, có những người lần đầu tiên tham dự.

Nghệ sĩ vũ đoàn Raduga – Divertisment – Flamingo (Nga) cho biết: “Lần này chúng tôi không chỉ giới thiệu văn hóa dân tộc mà còn đối thoại - hợp tác nghệ thuật”. Bên cạnh “Tình yêu từ nước Nga”, nhóm múa cổ điển “Divertisment”, nhóm múa hiện đại “Flamingo” và “Cầu vồng” của Trường múa Thiếu nhi TP Khabarovsk với những điệu múa ba lê cổ điển xen lẫn điệu nhảy dân gian, thể hiện cảm nghĩ và ấn tượng về một đất nước Việt Nam thân thiện qua tiết mục “Những chú bướm Việt Nam”.

Từ đất nước Đan Mạch xa xôi, MI22 - dàn nhạc funk-big lâu đời lần đầu tiên đến với Festival Huế. Họ biểu diễn nhạc funky điện tử theo xu hướng nhạc dance với sự giúp đỡ của nghệ sĩ bậc thầy về âm nhạc điện tử Anders Trentemller, cho đến các nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng. Trên sân khấu Đại nội Huế, MI22 dành cho khán giả một sự bất ngờ thú vị khi mời lên sân khấu một ca sĩ người Việt, hát một bài dân ca Bắc bộ Việt Nam và tất nhiên là MI22 là những người đệm nhạc. Họ chơi thành công ngoài sức tưởng tượng, dù ca sĩ và nhạc công đều thú nhận là “lần đầu tiên trong đời, chúng tôi gặp nhau và biểu diễn như thế này”.

Còn rất nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật quốc tế khác nữa. Họ đến với Festival Huế, đến với du khách và con người Huế. Nghệ thuật của họ không chỉ giới hạn ở không gian TP Huế, mà đã về làng, ngược lên vùng núi cao A Lưới. Sự đồng điệu trong nghệ thuật của con người với con người, của nghệ sĩ và người thưởng thức, đã tạo nên cảm giác thăng hoa trong không gian rộng mở của Festival Huế 2010.

Thắng - Cường - Hùng

Tin cùng chuyên mục