Nông thôn mới thiếu nước sạch

Cùng với cả nước, các tỉnh miền Trung đã và đang đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, tiêu chí về nước sạch đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều vùng đã đạt chuẩn NTM nhưng người dân vẫn đang dùng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày. 
Người dân thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn. Ảnh: MINH PHONG
Người dân thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn phải sử dụng nước nhiễm phèn. Ảnh: MINH PHONG

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) than thở: “Xây dựng NTM, bà con háo hức lắm, có đường sá đi lại tốt hơn, nhưng vấn đề nước sạch thì mấy năm nay chờ dài cổ. Bà con ở đây phải dùng giếng khoan nhiễm phèn để nấu nướng. NTM mà bà con không có nước sạch để dùng thì khó chấp nhận”.

Nằm trên địa bàn huyện Quảng Ninh, xã Võ Ninh cũng đang khát nước sạch dù đã được công nhận NTM từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho rằng, tiêu chí nước sạch rất quan trọng, nhưng chính quyền địa phương không đủ ngân sách xây dựng đường ống nước liên thôn, liên xã cho dân với kinh phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có chăng, chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh mới cân đối, huy động ngân sách đầu tư thì may ra dân có nước sạch để dùng.

Ngược vào Quảng Ngãi, ông Trần Tình, Trưởng thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, chua chát nói: “Dù xã đã cán đích NTM từ cuối năm 2019, nhưng chỉ đạt các tiêu chí đường sá, thủy lợi, còn nước sạch thì rất khó khăn. Hiện thôn có 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu thì có đến 80% thường xuyên thiếu nước sạch. Người dân không có nguồn nước nào khác ngoài việc trữ nước mưa để dùng. Nhưng vào mùa nắng hạn, giếng đóng phèn, dân phải xin nước từng bữa”.

Mặc dù chính quyền các địa phương đang rốt ráo tìm giải pháp để người dân có nước sạch để dùng, nhưng hiện đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Minh Vương nêu: “Thị xã đã có kiến nghị lên UBND tỉnh đầu tư dự án nước sạch cho 2 xã Phổ Khánh, Phổ Cường, lấy nguồn nước từ hồ Diên Trường (xã Phổ Khánh) với kinh phí 25 tỷ đồng, nhưng đến nay cũng chỉ biết chờ đợi”.

Trước thực trạng trên, một số địa phương đã tận dụng các nguồn lực để giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đấu nối hệ thống nước sạch và xây dựng nhà vệ sinh. Đến nay, đã có hơn 5.000 hộ dân tại TP Đồng Hới được vay gần 100 tỷ đồng để thực hiện đấu nối nước sạch về sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch xã Võ Ninh (TP Đồng Hới), cái khó hiện nay là khi nào đường ống dẫn nước đến với từng thôn, xóm thì người dân mới có thể đấu nối được. Còn đường ống chưa được đầu tư thì có vay vốn người dân cũng không biết đấu nối vào đâu. Vì vậy, mấu chốt là các cấp, ngành chức năng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống đường ống cấp nước sạch đến với từng thôn, xóm. Có như thế thì may ra vấn đề nước sạch cho người dân mới được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng quan điểm, chính quyền một số địa phương cấp xã ở Quảng Bình, Quảng Ngãi cũng đề đạt nguyện vọng được các cấp, ngành quan tâm đầu tư đường ống, nâng cấp các nhà máy xử lý nước để người dân các xã NTM có cơ hội sớm dùng nước sạch.

Tin cùng chuyên mục