Nụ cười Võ Thị Thắng, còn đây…

Nụ cười Võ Thị Thắng, còn đây…

…Ấy là nụ cười đẹp của một cuộc đời đẹp! Nụ cười nữ sinh Võ Thị Thắng, người sinh ra đúng mùa Thu Cách mạng 1945!

…Ấy là bức ảnh của nhà báo người Nhật chụp (năm 1968), một nụ cười bình thường, mà phi thường!

Võ Thị Thắng quê ở Long An, học Trường Gia Long, Sài Gòn. Chị sớm giác ngộ cách mạng và tham gia Tự vệ Thành. Chị bị địch bắt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân dân cả nước Tết Mậu Thân 1968. Tòa án Quân sự chính quyền Sài Gòn đã xử Võ Thị Thắng 20 năm tù khổ sai. Và nụ cười Võ Thị Thắng đã nở rạng rỡ giữa chốn lao tù! (ảnh trên).

Nụ cười ấy trở thành biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam, tinh thần lạc quan Việt Nam, vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam trước gian nan thử thách, trước kẻ thù xâm lược hung tàn.

Nhà thơ Trần Quang Long, một cây bút nổi tiếng của phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại đô thị thời chống Mỹ, lúc đó dạy học ở Cần Thơ, đã viết: “Chị là con người mang tên Chiến Thắng/Sinh ra và lớn lên từ mùa Thu Cách mạng/Hai ba năm rực rỡ chiến công/Đã nở nụ cười như một đóa hồng”… Thơ Trần Quang Long mạnh mẽ, thẳng thắn và trực diện, anh viết “Rất tự hào người con gái đó/Đã đem nụ cười vào lịch sử ngàn năm”.

Đầu Xuân Canh Thìn năm 2000, tại thủ đô Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức họp mặt cộng tác viên. Chúng tôi đặc biệt chú ý tới một “đóa hồng” (lời thơ Trần Quang Long), đó là chị Võ Thị Thắng. Tổng Biên tập Cao Xuân Phách mời Cục trưởng Võ Thị Thắng cùng mọi người vào phòng riêng của mình, và chị đã bất ngờ khi thấy trên tường có treo bức tranh sơn dầu lớn vẽ “Nụ cười Chiến Thắng” Võ Thị Thắng. Mọi người cùng cười, cùng chụp ảnh chung, vui vẻ.

Sau này nụ cười ấy giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. Có một cái gì đó khiến chúng tôi liên hệ đến vẻ đẹp nụ cười Việt Nam khi Tổng cục Du lịch Việt Nam có thời chọn nụ cười Phạm Như Quỳnh (ảnh), cô gái Quảng Bình là biểu tượng Du lịch Việt Nam. Giữa hai nụ cười Việt Nam thật là một sự kết nối hoàn hảo. Nụ cười Võ Thị Thắng là nụ cười Việt Nam chiến thắng; nụ cười Phạm Như Quỳnh là nụ cười Việt Nam thân thiện, muốn là bạn với tất cả mọi người trên thế giới.

Cám ơn người Việt Nam đã tạo ra nụ cười đẹp và hấp dẫn!
Cám ơn những cô gái Việt Nam gian khổ vậy mà nụ cười thật đẹp và hấp dẫn!
Cám ơn những người mẹ, người cha Việt Nam đã sinh ra những người con Việt Nam có nụ cười đẹp và hấp dẫn!
Chị Võ Thị Thắng đã ra đi về cõi vĩnh hằng! Nụ Cười Chiến Thắng của Võ Thị Thắng vẫn còn đây, mãi mãi còn đây!

“Nung trong tim một ngọn lửa anh hùng
Chị thắp sáng nụ cười Chiến Thắng”

(thơ Trần Quang Long)

--------------

Tin Buồn
 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Long An; Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM; Quận ủy, UBND, UBMTTQ quận 10; Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường 2, quận 10 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí VÕ THỊ THẮNG

Sinh năm 1945 tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, khóa IX; nguyên đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đã nghỉ hưu.

Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Hữu nghị Cuba, Huân chương Ana Betancour Cuba (Huân chương Phụ nữ cao nhất), Huân chương Oriente Cuba (Huân chương Thanh niên cao nhất), Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Đã từ trần lúc 8 giờ 15 ngày 22-8-2014. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 7 giờ 30 ngày 23-8-2014. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 25-8-2014. An táng tại vườn nhà, ấp Rạch Rích, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Tin cùng chuyên mục