Nuôi cấy thành công tế bào từ mô nhung hươu

Nuôi cấy thành công tế bào từ mô nhung hươu

Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc bộ môn Sinh lý học và Công nghệ sinh học động vật Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM đã thu nhận và nuôi cấy thành công tế bào giống tế bào gốc từ mô nhung hươu sao. Thành công này đã mở ra hướng ứng dụng mới trong y học …

Tạo tế bào đơn từ mô nhung hươu

TS Lê Thanh Hưng, Phó trưởng Bộ môn Sinh lý học và Công nghệ sinh học động vật, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, người đầu tiên đặt nền móng cho việc thu nhận và nuôi cấy tế bào giống tế bào gốc từ mô nhung hươu sao, cho biết: Sự phát triển của nhung hươu sao có thể xem là trường hợp tái sinh duy nhất ở động vật hữu nhũ, khi nó có khả năng tái sinh lại các phần bị mất và điều này xảy ra rất hạn chế ở các loài.

Theo các nghiên cứu, ở một số loài hươu, tốc độ tái tạo nhung có thể đạt được 2cm/ngày. Việc tái sinh nhung hươu này theo tính toán có liên quan đến chu kỳ sinh dục của hươu đực.

Chị Như Băng đang xem xét quá trình di chuyển của tế bào trên màn hình vi tính.

Chị Như Băng đang xem xét quá trình di chuyển của tế bào trên màn hình vi tính.

Trước đây người ta cho rằng sự tái sinh của nhung hươu là một quá trình hình thành các mầm gốc từ các tế bào phản biệt hóa. Phải đến năm 2008, các kết quả nghiên cứu mới hé mở rằng thực ra sự tái sinh các mô và nhiều phần phụ khác trong động vật hữu nhũ là một quá trình dựa trên tế bào gốc. Do đó, việc nghiên cứu nuôi cấy thành công tế bào gốc từ nhung hươu sao thành công sẽ mang lại một ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực y học phục hồi.

Trước đó, từ năm 2007, nhóm các nhà khoa học của bộ môn Sinh lý học và Công nghệ sinh học động vật, phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM đã tiến hành nghiên cứu về vấn đế này.

Đến tháng 3-2008, TS Lê Thanh Hưng, GS Phạm Thành Hổ và Th.S Phan Kim Ngọc đã mang những mẫu mô nhung hươu đầu tiên ở trại nuôi hươu ở Trị An (Đồng Nai) về phòng thí nghiệm tế bào gốc để tiến hành nghiên cứu tạo tế bào gốc từ nhung hươu sao. Sau đó, một nhóm các nhà khoa học cũng được thành lập để tiến hành nghiên cứu nuôi cấy nhằm nhân bản mẫu mô.

Từ mẫu mô gốc này, đến tháng 8-2009, tức là sau gần 2 năm nghiên cứu, chị Nguyễn Ngọc Như Băng (nhân viên Phòng thí nghiệm tế bào gốc) đã cho ra kết quả đầu tiên, khi thu nhận và khu biệt hóa được các tế bào giống tế bào gốc từ nhung hươu sao.

Mở hướng ra cho nguồn dược liệu quý

Để được kết quả này, bản thân chị Như Băng dưới sự hướng dẫn của TS Hưng và Th.S Kim Ngọc đã phải nghiên cứu quy trình xử lý và nuôi cấy tế bào nhung hươu bằng rất nhiều công đoạn, từ xử lý mẫu mô đầu tiên đến quá trình nuôi cấy.

Chị Như Băng cho biết, thực hiện quá trình nuôi cấy sau 48 giờ nuôi cấy, các tế bào nhung hươu đã bám dính nhiều vào bề mặt nuôi cấy. Nhưng, bên cạnh đó, một số tế bào chết do không thể phục hồi tổn thương gặp phải trong quá trình thu nhận trôi nổi lơ lửng trong môi trường nuôi cấy. Lúc này, môi trường nuôi cấy cũ phải được đổ bỏ và thay thế bằng môi trường mới tốn rất nhiều công sức.

Sau 7 ngày nuôi cấy, các tế bào nhung hươu hợp dòng, bám đều và trải rộng trên bề mặt nuôi cấy. Khi lượng tế bào nhung hươu chiếm khoảng 70%-80% diện tích bề mặt nuôi cấy, thao tác cấy chuyền được thực hiện để cung cấp chất dinh dưỡng cũng như không gian cho các tế bào này tiếp tục phát triển...

Đề tài đã được Hội đồng Khoa học Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM đánh giá xuất sắc và được sở tài trợ kinh phí cho nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai ứng dụng trong thực tế theo kế hoạch.

Từ lâu, nhung hươu được xem là một loại dược liệu quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Thành phần hóa học của nhung hươu bao gồm protein (52,5%), chất khoáng (34%), nước (1%), chất béo (2,5%). Đặc biệt, ở nhung hươu chứa tới 19 loại amino acid khác nhau, trong đó có 8 amino acid thiết yếu.

Ngoài ra, nhung hươu còn chứa các hormone tăng trưởng. Vì vậy, nhung hươu được dùng kết hợp với các vị thuốc y học cổ truyền nhằm mục đích phục hồi và tăng cường sức khỏe.

Sau thành công này, nhung hươu được thử nghiệm sử dụng để tạo một số dạng thực phẩm, trước mắt thử nghiệm tạo một số dạng sản phẩm có bổ sung nhung hươu: rượu, nước ngọt, viên nang…

KINH THANH

Tin cùng chuyên mục