Oan ức ti-gôn

Oan ức ti-gôn

1. Năm mười hai tuổi, lần đầu tiên tôi nghe bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh. Ba tôi dạo đó ban ngày đi làm, buổi tối cơm nước xong hay ra ngồi trên chiếc ghế xếp trước hiên, ngâm thơ (cho chính ông nghe) hoặc kể chuyện (cho chúng tôi nghe).

Ba tôi mê thơ tiền chiến. Nhờ những buổi tối ngồi cạnh ông, tôi biết đến Nhớ rừng của Thế Lữ, Nhạc sầu của Huy Cận, Người hàng xóm của Nguyễn Bính và Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh...

Những năm tiểu học, ba tôi đi làm xa, tôi mê mẩn những chuyện kể của bà tôi và chú tôi. Lên trung học, ba tôi đưa gia đình ra huyện lỵ, tôi mới có dịp ở gần ông.

Trẻ em thích nghe chuyện là điều bình thường. Nhưng một khi trẻ em thích nghe thơ, có thể tin tình yêu văn chương đã bắt đầu nảy mầm trong lòng đứa trẻ. Ba tôi chính là người gieo vào lòng tôi tình yêu ban đầu đó qua những bài thơ ông thường ngâm nga vào mỗi buổi tối.

Lên lớp tám, lớp chín, tôi tập tành sáng tác văn thơ, cùng dăm đứa bạn thành lập bút nhóm Mặt Trời Khuya, và phân công nhau lùng sục các tập thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Đinh Hùng, Lưu Trọng Lư... do nhà xuất bản Hoa Tiên tái bản.

Hoa Tiên in lại gần như đầy đủ các thi tập nổi tiếng thời tiền chiến, trừ T.T.Kh. Vì tác giả này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, đăng báo vỏn vẹn có bốn bài trên hai tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Phụ Nữ Thời Đàm, đủ để tạo nên một nghi án văn chương nhưng không đủ tạo nên một thi tập.

Chúng tôi phải tìm đọc thơ T.T.Kh. qua các tập khảo cứu, phê bình Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Khuynh hướng thi ca tiền chiến của Nguyễn Tấn Long - Phan Canh xuất bản vào thời đó.

2. Mười ba, mười bốn là tuổi mộng mơ. Đọc những câu thơ “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/Thở dài trong lúc thấy tôi vui/Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ/Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”, tôi không khỏi thấy lòng mình nao nao.

Năm lớp chín, tôi đã biết để ý đến bạn gái, đã biết giận hờn, nhưng để nếm trải cảm giác thất tình hay tan vỡ tôi còn phải vất vả đợi thêm một thời gian dài nữa. Nhưng ngay từ lúc đó, hình ảnh và âm hưởng của những câu thơ trên đã thực sự làm lay động tâm hồn một đứa con trai mới lớn. Tôi bắt gặp một nỗi buồn man mác len vào hồn tôi, mơn man trên tóc tai tôi.

Bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.Kh. nổi tiếng đến mức hàng loạt nhạc sĩ thời danh hồi đó đã lấy nó làm cảm hứng sáng tác. Những ca khúc phổ thơ hoặc dựa vào ý thơ Hai sắc hoa ti-gôn của Trần Trịnh, Anh Bằng, Song Ngọc, Hà Phương, Trần Thiện Thanh... qua giọng ca Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Thái Thanh, Giao Linh, Nhật Trường... một thời tràn ngập sóng truyền thanh khiến tôi suốt ngày ư ử hát theo và dậy lên ao ước cháy bỏng được một lần nhìn thấy loài hoa này.

3. Trong bài Hai sắc hoa ti-gôn, khổ thơ nổi tiếng nhất, được nhiều người thuộc nhất và được “chế” thành nhiều phiên bản nhất vẫn là: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi! Người ấy có buồn không/Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ/Tựa trái tim phai, tựa máu hồng”.
Riêng với tôi, khổ thơ đó cung cấp thêm thông tin: Té ra hoa ti-gôn có màu đỏ! Nếu cánh hoa không phải màu đỏ, nó không thể “tựa trái tim phai”, “tựa máu hồng”.

Chuyện tưởng không có gì phải bàn cãi. Ngặt nỗi, ở khổ thơ trước đó, tác giả lại viết: “Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì/Cánh hoa tan tác của sinh ly/Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng/Là chút lòng trong chẳng biến suy!”

Chỗ này, T.T.Kh. viết rõ “màu hoa trắng”. Vậy hoa ti-gôn có màu trắng hay màu đỏ? Một thời gian dài, tôi cứ thắc mắc hoài, vì quê tôi không có hoa ti-gôn. Và những nơi tôi đi qua cũng không thấy ở đâu trồng loại hoa này.

Hoa ti-gôn (Tigone) còn gọi là hoa ăng-ti-gôn (Antigone). Theo truyền thuyết Hy Lạp, Antigone - con gái của Oedipe (vẫn thường được biết đến dưới khái niệm “mặc cảm Oedipe” do nhà phân tâm học Sigmund Freud đề xướng), sau khi chết đi trên mộ mọc lên một loài hoa lạ. Đó là hoa ti-gôn hay ăng-ti-gôn, dựa theo tên của cô gái. Có lẽ loài hoa này có nguồn gốc nước ngoài nên trước đây không trồng phổ biến ở Việt Nam.

4. Thời gian trôi qua, thế cuộc đổi thay công việc bộn bề, tác giả T.T.Kh với những vần thơ sầu não dần lui vào dĩ vãng và những thắc mắc về cánh hoa ti-gôn đã bị phủ bụi trong tâm trí tôi từ lâu.

Gần đây, tôi cặm cụi trồng một khoảnh vườn be bé trên sân thượng và tình cờ thay, loài hoa leo giàn đầu tiên bạn tôi đem tới tặng là... hoa ti-gôn. Từ đó, mới nhớ lại chuyện này. Hóa ra hoa ti-gôn có ba màu: trắng, hồng xác pháo và đỏ san hô. Như vậy, khi đứng tự tình với người yêu dưới giàn hoa ti-gôn, người con gái trong thơ T.T.Kh. đang đứng dưới giàn hoa ti-gôn màu trắng. Còn khi đã lấy chồng, một “chiều thu” nhớ tới người xưa thì cô đang đứng dưới giàn hoa ti-gôn màu đỏ (hoặc màu hồng).

Hoa ti-gôn có hình trái tim: màu trắng thì giống “một chút lòng trong chẳng biếng suy”, màu đỏ hay màu hồng thì giống “trái tim phai”, giống “máu hồng”. Vì thế bài thơ mới có tên là Hai sắc hoa ti-gôn, một chi tiết có thể ít người để ý do bị lấn át bởi cảm xúc mãnh liệt về tình yêu trái ngang mà bài thơ đem lại. Thắc mắc của tôi năm nào tự nhiên được... chính hoa ti-gôn giải đáp.

Tôi cũng không nghĩ hoa ti-gôn bé đến vậy. Cứ nghĩ hoa leo giàn ắt phải to như hoa tỏi, hoa cát đằng hay hoa huỳnh anh. Không ngờ đó là loại dây leo thân mảnh, lá nhỏ bản, hoa mọc thành chuỗi, trông xinh xắn và thanh nhã vô cùng. Đó là loài hoa đã trót nhìn thật khó mà rời mắt đi nơi khác.

Ngắm hoa ti-gôn một hồi, tôi lẩn thẩn nghĩ chắc cô gái chàng trai trong bài thơ của T.T.Kh đứng dưới giàn hoa ti-gôn là do tình cờ thôi. Chứ loài hoa này bao giờ cũng gợi lên cảm xúc thanh khiết, lãng mạn và tươi sáng, không phù hợp làm chứng nhân cho những đổ vỡ, chia lìa.

Ờ, nếu lúc đó họ đứng dưới giàn hoa giấy, giàn nguyên tiêu, hoặc dưới... giàn mướp hay giàn khổ qua, ắt hoa ti-gôn sẽ không bị gán ghép với những chuyện “đắng lòng”.

Thế mới biết, không cứ đời người mà ngay cả đời hoa đôi khi cũng gặp chuyện oan ức, xui xẻo khó lường!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục