
Sáng 31-1, buổi giao lưu với những bà mẹ sinh con và nuôi con trong tù được tổ chức ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TPHCM) đã phần nào khắc họa chân dung những người mẹ đã chiến đấu để được quyền làm mẹ, để bảo vệ núm ruột của mình…
Năm 1959, dì Nguyễn Thị Cầm, quê ở Cà Mau, bị bắt cùng 3 đồng đội khác khi đang mang thai 3 tháng. Bị kết án tử nhưng vì dì đang mang thai, sợ quần chúng đấu tranh quyết liệt nên bọn giặc đã kết án dì chung thân khổ sai. Dì sinh con trai đầu, cháu Tuấn Dũng, tại khám lớn Chí Hòa. Năm 1961, chúng đày dì đến Phú Lợi rồi sau đó là Gò Công.
Ở nhà giam nào, Dũng cũng đi cùng mẹ. Ngay cả khi dì bị biệt giam với những nữ tù chính trị khác, Dũng cũng cùng bị giam chung. Lên 3 tuổi, dù phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, phải dùng “ké” suất nước, suất cơm với muối của mẹ và đòn roi của bọn coi ngục nhưng em vẫn lớn như thổi, vẫn khôn lanh trước tuổi. Dũng canh cửa cho các dì và mẹ họp, làm giao liên giữa các chi bộ trong nhà tù bằng cách nhét thư dưới vành nón…
Biết án chung thân đeo đẳng, dì Cầm gửi con về cho ông ngoại chăm sóc. Hôm chia tay mẹ, Dũng không khóc mà chỉ nói: “Mẹ ở trong đây đừng buồn, buồn rồi bịnh nghen. Mai mốt con lớn, con sẽ vô rước mẹ về!”.
Mãi đến năm 1974, khi trao trả tù binh tại Lộc Ninh, dì mới biết con mình đã mất do một tai nạn vào năm 1963. Nỗi đau của một người mẹ sinh con, nuôi dưỡng con trong tù trước bao thử thách thật nghiệt ngã.
Dì Đặng Thị Nguyệt sau khi sinh cháu Dũng Sĩ được hơn 3 tháng trong trại giam Hố Nai thì được gọi lên bắt phải chọn 1 trong 3 điều kiện. Một là gửi con về gia đình. Hai là phải ký vào giấy chiêu hồi để 2 mẹ con được tự do. Ba là nếu không chịu 2 điều kiện trên thì phải gửi con vào viện mồ côi.
Dì nhớ lại: “Dù chúng cho 3 ngày để suy nghĩ nhưng tôi trả lời ngay là không chấp nhận bất cứ điều kiện nào của chúng đưa ra. Trước hết vì nhà cửa bị bom Mỹ ném bom tan hoang, người nhà chết gần hết nên không gửi con về được. Việc chiêu hồi thì thà chết chứ không ký. Còn đưa con tôi vào viện mồ côi cũng không được vì nếu sa vào tay giặc thì tôi thà giết chết nó đi chứ không thể để bọn giặc nuôi dưỡng nó thành kẻ thù của dân tộc”.
Ngay lập tức, bọn giám ngục lao vào đánh tới tấp 2 mẹ con. Chúng lôi 2 mẹ con ra phơi nắng 2 ngày và dì đã phải dùng lưng và mái tóc dài của mình để che nắng cho con. Chúng đưa dì Nguyệt cùng con ra trại giam Quy Nhơn và tách dì ra ở trạm xá để xa những nữ tù chính trị khác.
Tại đây, 2 lần chúng rắp tâm cướp con của dì nhưng bất thành. Dì nhờ mua 12 cây kim tây ghim chặt quần áo của con vào quần áo dì. Khi nghe bọn quân cảnh lố nhố ngoài sân, dì còn lấy dây mùng cột chặt 2 mẹ con vào giường. Chúng lao vào giằng đứa bé, dì cắn xé, gào thét điên cuồng làm những tù nhân và bác sĩ trong trạm xá phản đối kịch liệt khiến địch phải chùn tay, bỏ ý định bắt Dũng Sĩ…
Còn biết bao những bà mẹ - chiến sĩ khác mà trong khuôn khổ một buổi giao lưu không thể kể hết. Đó là dì Lê Thị Bé Hai, giao liên của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, bị địch bắt khi mang thai 4 tháng. Dì sinh con tại nhà giam Thủ Đức và đặt tên con là Lê Toàn Thắng. Dì Nguyễn Thị Hoa chuyển bụng tại khám lớn Chí Hòa rồi bị đày ra Côn Đảo. Con trai của dì phải ở chuồng cọp 2 ngày chung với mẹ. Dì Nguyễn Thị Út Bé bị địch bắt khi đang mang thai 3 tháng. Dì đặt tên con là Nguyễn Diệt Mỹ nhưng địch lại làm khai sinh cho cháu là Nguyễn Việt Mỹ. Diệt Mỹ đã sống với mẹ tại các nhà giam và khi lên 3, dì Hoa gửi con về cho bà ngoại nuôi…
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân nhấn mạnh: “Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau và cũng là dịp để các mẹ, các dì sống lại những năm tháng tột cùng của sự gian khổ trong các nhà giam của kẻ thù. Đó là những năm tháng rất đỗi tự hào và anh hùng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam, phụ nữ TPHCM nói riêng sẽ mãi tự hào về các mẹ, các dì. Từ tận đáy lòng, tôi rất xúc động và khâm phục các mẹ, các dì về ý chí cách mạng, về lòng kiên trung, sự dũng cảm, sức chịu đựng trước sự khốc liệt mà kẻ thù gây ra trong các địa ngục trần gian”.

THẠCH THẢO