Ngày 16-4, Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chọn ứng cử viên do Mỹ đề cử: Bác sĩ Jim Yong Kim, 52 tuổi, người Mỹ gốc Hàn, làm Chủ tịch thứ 12 của tổ chức này. Mặc dù cuộc đua vào WB đã diễn ra gây cấn vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với định chế này bị thách thức, nhưng cuối cùng người Mỹ cũng được chọn đứng đầu tổ chức tài chính này.
Vẫn là người Mỹ
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ luôn cử nhân sự đảm nhận chức Chủ tịch WB, trong khi đó châu Âu luôn cử người đại diện giữ chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, hiện nay các cường quốc mới nổi thuộc nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã yêu cầu WB cần cởi mở hơn để có thể tìm kiếm được các ứng cử viên chất lượng cao từ những quốc gia khác.
Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo Iweala là ứng cử viên đại diện cho các nước đang phát triển muốn có tiếng nói lớn hơn trong lĩnh vực quản trị toàn cầu đang gây áp lực lên vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với WB. Tuy nhiên, nhiều nước đã ủng hộ ứng cử viên gốc châu Á do Mỹ đề xuất.
Ông Jim Yong Kim từng làm việc tại Nga khi còn là thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO); từng là chuyên gia y tế cộng đồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dartmouth và cũng đã từng làm việc ở châu Á, một số khu vực của Mỹ Latinh trong vai trò một lãnh đạo tài chính.
Nga là nước đầu tiên trong khối BRICS bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên người Mỹ Jim Yong Kim. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định nước này ủng hộ ứng cử viên người Mỹ gốc Hàn làm Chủ tịch WB, hãng tin AFP ngày 16-4 cho biết, các cổ đông quyền lực nhất của WB như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng đã ủng hộ ứng cử viên gốc châu Á này.
Cuộc đua chính trị
Theo quy định, để trở thành Chủ tịch WB, ứng cử viên phải nhận được từ 85% phiếu thuận của Hội đồng quản trị. Vì vậy, với tỷ lệ lá phiếu lên tới 15,74%, Mỹ hoàn toàn đủ sức phủ quyết quyết định của tất cả các thành viên còn lại. Trong trường hợp tất cả 24 thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị WB bỏ phiếu cho một ứng cử viên không phải của Mỹ mà Mỹ không đồng ý, kết quả đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Các nền kinh tế đang phát triển kêu gọi việc lựa chọn Chủ tịch WB dựa trên năng lực và phẩm chất của các ứng cử viên, thay vì quốc tịch. Theo các chuyên gia, mặc dù ông Jim Yong Kim đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua này nhưng đây là lần đầu tiên có sự cạnh tranh về chức vụ người đứng đầu WB.
Cuộc đua đã chuyển từ một cuộc cạnh tranh về năng lực và phẩm chất đạo đức sang một cuộc đua chính trị. Cuộc đua năm nay được xem là gay cấn nhất trong lịch sử WB vì thứ sáu tuần trước, một ứng cử viên khác là Bộ trưởng Tài chính Colombia Jose Antonio Ocampo đã rút lui khi cho rằng đây thực chất là cuộc đua chính trị.
Tuy nhiên, dù ai làm Chủ tịch WB thì Mỹ với quyền biểu quyết lớn nhất vẫn có thể kiểm soát được WB và đưa quỹ đạo của tổ chức này theo định hướng của mình. Rõ ràng, từ khi WB được thành lập tới nay, chưa có vị Chủ tịch WB nào lại không phải là người Mỹ.
Vị tân Chủ tịch WB phải giám sát một đội ngũ hơn 9.000 nhà kinh tế, chuyên gia phát triển, chuyên gia chính sách và một danh mục các khoản cho vay lên đến 258 tỷ USD trong năm 2011. Năm ngoái, WB đã cam kết chi 43 tỷ USD cho các khoản vay giúp các nước đang phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, quản trị và các lĩnh vực chính của nền kinh tế.
Việc WB chọn người có kinh nghiệm và thành tích trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS ở các nước đang phát triển đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với những ứng cử viên từng đảm nhiệm chức vụ này trong quá khứ đều xuất thân từ những nhà ngoại giao hoặc hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại kinh nghiệm của ông Jim Yong Kim không đủ rộng để xử lý các lĩnh vực của WB, từ vấn đề kinh tế tới phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường…
Hạnh Chi