Ông lão tuổi 90 và “thư viện vì dân”

Chỉ nghe thôi hẳn ít người tin. Ở tuổi 90, lưng đã còm, sức đã yếu, mắt đã mờ, nhưng chưa phút giây nào ông ngừng tìm tòi, sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ để xây dựng một thư viện phục vụ người dân. Ở tuổi “gần đất xa trời”, ông chỉ mong có một tủ sách lớn để làm đẹp hơn cho cái thư viện nhỏ ông đã dày công vun vén.
Ông lão tuổi 90 và “thư viện vì dân”

Chỉ nghe thôi hẳn ít người tin. Ở tuổi 90, lưng đã còm, sức đã yếu, mắt đã mờ, nhưng chưa phút giây nào ông ngừng tìm tòi, sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ để xây dựng một thư viện phục vụ người dân. Ở tuổi “gần đất xa trời”, ông chỉ mong có một tủ sách lớn để làm đẹp hơn cho cái thư viện nhỏ ông đã dày công vun vén.

Trọn tình với Bác

Đó là ông Nguyễn Trọng Thát, năm nay tròn 90 tuổi đời, 68 tuổi Đảng ở thôn Phú Cang 2, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh. Đến Vạn Phú, mặc dù là xã thuần nông rộng lớn, nhiều thôn, làng đan xen giữa những cánh đồng mênh mông, nhưng hỏi nhà ông Thát, từ già đến trẻ đều chỉ đường vanh vách. Bởi đối với người dân nơi đây, gần chục năm qua, hình ảnh ông Thát đã rất thân thuộc với họ. Ngày nào ông cũng đạp xe đi bất cứ đâu, nếu nghe có thông tin, tư liệu về Bác Hồ là ông tìm đến sưu tầm, bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Đến nhà ông Thát chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến gia cảnh của ông. Trong căn nhà chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, nhưng có đến 4 thế hệ với cả chục con người sinh sống. Chật hẹp là thế, nhưng từ trong ra ngoài, chỗ nào cũng thấy ông dành nơi trang trọng nhất để trưng bày, lưu giữ các tư liệu về Bác Hồ. Có khách đến, ông lại lò dò vào phòng bên trong, bê ra những chồng tư liệu dày cộm, ông nói do hết chỗ để nên phải cất đi, cùng lúc không thể trưng bày hết được.

Ông Thát bên bảng hiệu “Thư viện vì dân” do chính tay ông phác thảo.

Tận mắt chứng kiến bộ sưu tập đồ sộ với những hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thấy hết sự kỳ công, cần mẫn và tâm huyết của ông trong việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Từ năm 2007 đến nay, ông Thát đã dày công sưu tầm được kho tư liệu vô cùng quý giá với hơn 500 tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Có những tấm hình qua thời gian đã úa vàng nhưng được ông lồng trong khung kính, bao nylon cẩn thận. Khi hỏi về số tư liệu sưu tập được, ông kể vanh vách từng chi tiết, kể cả những bài viết cách đây vài chục năm, giấy đã ngả màu nhưng ông vẫn đọc rõ, dõng dạc. Còn nói về thơ, ông Thát nhớ và đọc như in hàng trăm bài thơ viết về Bác qua các thời kỳ. Bà Nguyễn Thị Hảo, con gái thứ cụ Thát cho biết, ông tuổi cao nhưng chỉ bị chứng “nặng tai”, chứ mắt còn sáng lắm, đọc được cả sách báo vào ban đêm mà không cần mang kính. Mỗi tập tài liệu sưu tầm được, ông trắng đêm sắp xếp. “Hai năm nay, thấy sức khỏe cha đã yếu, gia đình không cho cha đi xe đạp để sưu tầm tư liệu thêm nữa vì sợ ông té ngã. Vừa rồi, chi bộ Đảng địa phương cho ông được nghỉ sinh hoạt định kỳ vì tuổi cao nhưng cha không chịu, cứ đòi đi họp. Khuyên mãi, cha bảo không cho đi xa thì đi gần sưu tầm tư liệu cũng được. Thương cha, gia đình phải cắt cử người chở nếu cha muốn đi”, bà Hảo nói.

Lập thư viện vì dân

Ông Nguyễn Trọng Thát sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, từng là giáo viên dạy Văn. Lúc còn công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), ông đã thích lưu giữ những hình ảnh về Bác Hồ. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu, ông vào Khánh Hòa sinh sống với con cháu và tiếp tục nung nấu ý nghĩ sưu tầm kho tư liệu về Bác nhưng chưa có cơ hội. Năm 2007, nhân dịp xã Vạn Phú phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông bắt tay vào thực hiện ước mơ. Ông chủ động đưa ra kế hoạch sưu tầm, rồi thông qua cấp ủy chi bộ thôn. Thấy việc làm của ông có ý nghĩa thiết thực, chi bộ rất hoan nghênh và tạo điều kiện. Sau đó, ông cùng chiếc xe cũ rong ruổi khắp nơi để sưu tầm những tư liệu về Bác. Rồi hàng đêm, ông viết thư cho những người bạn ở khắp cả nước, hỏi xin tư liệu.
 
Ban đầu, việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, về lịch sử dân tộc Việt Nam của ông chưa được mọi người mặn mà. Ông thường xuyên nhận được những câu hỏi: “Ông sưu tầm làm gì? Già rồi, làm chi cho khổ, tư liệu trên mạng có đầy ra đó”. Bỏ ngoài tai những lời nói đó, ông vẫn cặm cụi sưu tầm. Sau này, hiểu được việc ông làm, nhiều người khi tìm thấy những tư liệu quý về Bác Hồ, họ mang đến tận nhà tặng ông. Năm 2008, khi kho tư liệu đã khá nhiều, ông muốn chia sẻ tất cả với mọi người dân bằng việc hình thành nên một thư viện. Ban đầu, thư viện có tên “Thư viện nhân dân”, nhưng khi đưa ra cuộc họp chi bộ, mọi người thống nhất lấy tên “Thư viện vì dân” cho có ý nghĩa. Để làm được thư viện, chuyện cũng không phải đơn giản, nhất là ở tuổi đã cao như ông. Nhưng rồi, không quản ngại khó khăn và tuổi tác, ông ngày đêm sắp xếp những tư liệu sưu tầm được theo chuỗi thời gian, mốc lịch sử rõ ràng, hợp lý. Có cái ông dán lên bức tường, có khi sắp xếp theo dạng những cuốn sách, kỷ yếu… Ngay tại cổng chính ngôi nhà, ông treo biển hiệu “Thư viện vì dân” với đầy đủ thông tin hình ảnh, nhưng chủ yếu là các thông tin về mốc thời gian quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác cho đến khi cách mạng thành công.
Mong ước nhỏ nhoi cuối đời

Từ ngày người dân, đặc biệt là học sinh trong xã biết ông có thư viện, mọi người hay kéo đến xem, tìm hiểu thông tin về Bác. Sống bằng đồng lương ít ỏi, ông chắt chiu để dành được 5 triệu đồng mua tôn để lợp lại mái hiên đang dột nát, sắm thêm vài cái bàn và chục cái ghế phục vụ bà con, học sinh, sinh viên và cả cán bộ đến nghiên cứu tư liệu. Trong đó, ông ưu tiên sắp ghế cho các cháu học sinh ngồi rồi nghe ông “thuyết trình” các tư liệu về Bác mà đám học trò cần tìm hiểu để làm bài thu hoạch ở trường. Khi được hỏi, xuất phát từ đâu ông làm việc này, ông Thát cười hiền: “Bác Hồ là danh nhân vĩ đại; nếu mình hiểu tường tận về Bác thì đó là điều hạnh phúc, là vinh dự. Làm theo được như Bác không phải dễ, nhưng mình làm việc gì mà người dân ủng hộ, làm vì dân thì đó là điều tốt, điều Bác Hồ mong. Tôi lập nên thư viện không chỉ muốn thể hiện tình yêu với Bác, mà còn để giúp người dân có thêm cơ hội hiểu nhiều hơn về Bác Hồ, các thế hệ sau này mãi nhớ đến cội nguồn, nhớ đến những người cho ta hòa bình, cơm ăn áo mặc”.

Bà Nguyễn Thị Hảo cho biết, nhiều tháng qua ông cụ cứ trằn trọc, mất ngủ vì lo khi nhắm mắt xuôi tay, không biết ai sẽ gìn giữ, chăm sóc những tư liệu mà ông đã dày công sưu tầm được. Nghe đâu, cụ bảo sau khi qua đời sẽ hiến tặng toàn bộ tư liệu cho xã. Nhưng hiện xã chưa có nơi để trưng bày. Vừa rồi, căn phòng lớn của ông mái ngói bị dột sau trận mưa nên nhiều tư liệu bị ướt, úa vàng. Cụ Thát tâm sự: “Chỉ mong có vài cái tủ, dù cũ cũng để đựng tư liệu cho đàng hoàng, ngăn nắp. Tôi già quá rồi, giờ làm không xuể nữa và chỉ mong có vậy thôi!”

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục