Ông Phạm Phú Quốc xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và thôi việc tại IPC

Sau khi có thông tin về việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, ngày 25-8, đại biểu này đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và xin thôi việc tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Chiều tối 1-9, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.


Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê trả lời báo chí trong buổi Họp báo thông tin về việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê trả lời báo chí trong buổi Họp báo thông tin về việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự và chủ trì buổi họp báo là các đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn UBND TPHCM; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM; lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM.

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, cơ quan chức năng TPHCM đã nhanh chóng kiểm tra làm rõ thông tin trên. Ngày 25-8, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV, đồng thời xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC.

Theo ông Từ Lương, nội dung này Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe báo cáo và thống nhất cao việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí, khẳng định quan điểm xử lý rất quyết liệt, triệt để, công khai minh bạch của TPHCM.

Làm rõ hơn, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Phước Thắng khẳng định, khi các cơ quan chức năng của TPHCM giới thiệu tham gia ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tháng 12-2018, ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai nhưng không khai báo theo quy định, thể hiện không gương mẫu và không chấp hành đúng quy định của Đảng.

Ngày 25-8, ông Quốc có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH và đơn xin thôi việc. Ngày 27-8, ông Quốc đã có đơn giải trình báo cáo đơn vị chức năng.

Qua xem xét đơn của ông Phạm Phú Quốc, phản ánh của báo chí, rà soát các quy định, Đoàn ĐBQH TP, Ban cán sự đảng UBND TP, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã đề xuất hướng xử lý và lãnh đạo TP thống nhất hướng xử lý.

Theo đó, ngay trong tuần này, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ họp và có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu để xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc theo quy định.

Về mặt Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ làm việc với ông Phạm Phú Quốc và đề xuất hướng xử lý, việc này thực hiện trong tháng 9-2020.

Với đơn xin thôi nhiệm vụ Tổng Giám đốc IPC, ngay trong tuần, UBND TP chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu quyết định đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm của ông Phạm Phú Quốc trong thời gian công tác trước đây. Việc này thực hiện trong tháng 9-2020.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy  Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trong đơn, đại biểu Phạm Phú Quốc trình bày quốc tịch Síp (Cyprus) là do gia đình bảo lãnh, còn thông tin "bỏ 2,5 triệu euro để mua quốc tịch" là không chính xác.

Về thời gian bảo lãnh vào năm 2018-2019, đại biểu Phạm Phú Quốc cho biết, do thời gian này có những việc riêng không như mong muốn, nên gia đình muốn bảo lãnh ông sang Síp sinh sống, tiện việc thăm con.

“Nhưng dù nói gì, thì với trách nhiệm ĐBQH, đảng viên, cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt giữ trọng trách, chiếu theo những quy định của Đảng, của Luật Công chức viên chức, cả lương tâm trách niệm của một đại biểu thì cần có sự báo cáo đầy đủ với tổ chức quản lý mình. Đó còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với lá phiếu cử tri đã bầu cho mình”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nói.

Theo đó, đại biểu Quốc đã không thực hiện đầy đủ các quy định và thiếu trách nhiệm với tổ chức quản lý mình, không khai báo trung thực về hồ sơ cá nhân.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng thông tin thêm, trong đơn đại biểu Phạm Phú Quốc đã thể hiện sự ăn năn. Đồng chí nhận xét, dưới vai trò là ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc chịu khó tư duy trong những lĩnh vực mình am hiểu, tích cực đóng góp ý kiến, tuân thủ kỷ luật của Đoàn ĐBQH TPHCM. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nói đây là điều đáng tiếc, bài học cho mỗi đại biểu, cán bộ công chức tự vấn, soát mình để có nhận thức và việc làm đúng.

Liên quan đến việc luân chuyển ông Phạm Phú Quốc về làm Tổng Giám đốc IPC, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, việc luân chuyển xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ, được thực hiện đúng, đủ quy trình 5 bước, đảm bảo dân chủ, công khai. Ông Phạm Phú Quốc có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, kỹ sư khai thác vận tải, có nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.  

Ông Phạm Phú Quốc trúng cử ĐBQH khóa XIV (2016-2021) khi đang là Tổng Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM. Sau đó, ông có thời gian giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Hiện ông là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) công bố tài liệu cho thấy nhiều chính trị gia đã mua hộ chiếu Cộng hòa Síp, một quốc gia châu Âu. ĐBQH Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách này.

Tin cùng chuyên mục