Ông sử thi

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cây xanh ngút ngàn ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Cha Rang, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) có một người đàn ông đã ngoài 80 tuổi, hàng ngày vẫn cần mẫn trên trang viết, chăm nom vườn cây, ao cá và luôn hướng đến cuộc sống đổi mới của đồng bào một cách giản dị. Ông chính là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng.
Ông sử thi

Trong căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cây xanh ngút ngàn ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Cha Rang, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) có một người đàn ông đã ngoài 80 tuổi, hàng ngày vẫn cần mẫn trên trang viết, chăm nom vườn cây, ao cá và luôn hướng đến cuộc sống đổi mới của đồng bào một cách giản dị. Ông chính là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng.

Nghệ nhân ưu tú Ka Sô Liễng bên những trang sử thi viết song ngữ chữ phổ thông và Chăm H’roi

Tài năng

Nhà Ka Sô Liễng ở cách TP Tuy Hòa khoảng 70km về hướng Tây. Căn nhà lợp ngói, có gác lửng kiểu nhà sàn nằm trong vườn cây xanh tốt bên quốc lộ 25 yên tĩnh đến lạ thường. Vừa bước vào sân, tôi đã thấy một ông già to cao, râu tóc bạc trắng ngồi sát hiên nhà đang rải từng hạt lúa qua khung cửa sổ cho đàn gà ăn. Thấy có khách, già nở nụ cười chào thân thiện. Tôi hỏi, già nuôi gà à? Ông nói gà của hàng xóm sang, thấy nó đói thì cho ăn chứ không nuôi. Hỏi đáp xã giao vài câu, ông vui vẻ đưa tôi lên căn gác, giới thiệu các bộ sách trong căn phòng nhỏ và bắt đầu câu chuyện thú vị…

Ka Sô Liễng sinh năm 1936 tại huyện Đồng Xuân nhưng lớn lên tại xã vùng cao Phước Tân (Sơn Hòa). Năm 17 tuổi, ông xung phong vào bộ đội, trở thành lính trinh sát của Đại đội 21 thuộc Trung đoàn 84. Tháng 10-1954, Ka Sô Liễng tập kết ra Bắc học bổ túc văn hóa, rồi quản lý văn hóa ở Trường Lý luận nghiệp vụ Hà Nội. Năm 1963 tốt nghiệp, ông về nhận công tác tại Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian sau, ông thi đậu vào Khoa đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và sau này được giữ lại trường giảng dạy môn Văn hóa quần chúng và Mỹ học. Năm 1973, ông trở vào miền Nam công tác thời gian ngắn ở Đoàn Văn công tổng hợp (Ban Tuyên huấn Khu 5) rồi chuyển về căn cứ Đăk My ở Quảng Nam để xây dựng Trường Văn hóa nghệ thuật Khu 5. Năm 1975, đất nước thống nhất, Ka Sô Liễng trở về tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) với vai trò đạo diễn, Trưởng đoàn Dân ca kịch cải lương. Thời gian 10 năm công tác ở đây, ông đã dàn dựng trên 20 vở diễn dân ca kịch, tuồng, cải lương và nhiều vở diễn đã đoạt huy chương vàng, bạc tại các liên hoan nghệ thuật sân khấu khu vực và toàn quốc, như Trần Bình Trọng, Ba cha con, Rừng hận, Đôi mắt, Núi rừng thầm lặng, A Nàng, Hoa Plan… Dù là người dân tộc thiểu số nhưng Ka Sô Liễng đã thành công ở các thể loại kịch, hát bài chòi, hát bội đậm chất văn hóa truyền thống miền biển của người miền Trung. Những tác phẩm do Ka Sô Liễng đạo diễn, được giới chuyên môn đánh giá vừa sâu sắc vừa mang tính hiện đại và rất thành công.

Nặng lòng với sử thi và chữ viết dân tộc

Là người Chăm H’roi, Ka Sô Liễng yêu văn nghệ và tiếp cận với văn hóa dân gian, nhất là sử thi từ lúc còn trẻ ở buôn làng. Đến khi ra Bắc, ông mới có dịp tiếp cận những bộ sử thi nổi tiếng như Đam San, Xinh Nhã, Đăm Di (Êđê); Đẻ đất đẻ nước (Mường); Đăm Noi (Bana). Theo ông, nhờ tiếp cận sớm nên hiểu được văn hóa, tập tục, đời sống của mỗi dân tộc và thao thức về dân tộc mình. Ngồi trong căn gác, nhìn chồng sách dày khít cao ngút trên kệ, những tập chép tay khi điền dã đã ngả sang màu vàng, già Liễng tâm sự: “Vùng đất này có nhiều sử thi và nhiều người kể khan hay lắm, như: Oi Tuyết, Oi Xăng, Ma Phối… và nay họ đã mất. Cũng may, suốt 30 năm qua tôi đã kịp sưu tầm một số sử thi từ các nghệ nhân lớn tuổi đó”.

 

* TS Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc Phú Yên, ghi nhận: “Có thể nói, Ka Sô Liễng là người đặc biệt của nước ta về lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông luôn khiêm nhường về những đóng góp của mình, là tấm gương sáng về nhân cách”.

 

Hơn 30 năm là một chặng đường dài. Nhưng thời gian ông dành cho sử thi nhiều nhất là từ khi Phú Yên tái lập tỉnh (năm 1989) và ông về làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Ông đã sưu tầm hơn 10 bộ đàn đá Khánh Sơn, sưu tầm dân ca Raglai, trường ca Xing chion (Bana), Chơlơkôk (Êđê)… Ông cho biết: “Những bản thảo sưu tầm, dịch sử thi đầu tiên của tôi hoàn thành từ năm 1989 đến 1999. Trước khi về hưu, tôi đã gửi cho Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam hai trường ca Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk và Bia tơ lúi - Ka ly pu và Hội văn nghệ Dân tộc thiểu số Việt Nam bản thảo Anh em Chi Blơng. Đây là những trường ca cổ của người Bana, Chăm H’roi, mỗi tập dày hơn 700 trang”. Nhiều người sau này cho rằng, thời điểm đó, Nhà nước chưa có chương trình sưu tầm sử thi nhưng Ka Sô Liễng đã tự làm được như thế là điều đáng trân trọng và kính phục. Khi nghỉ hưu, ông về miền núi Sơn Hòa mua đất, làm nhà và tiếp tục cất công sưu tầm sử thi.

Ông kể: “Ngày ấy còn khỏe, tôi nhiều lần đến các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên) và các buôn làng xa xôi ở Tây Nguyên tìm người già để nghe kể lại, thu âm rồi ghi chép bằng chữ dân tộc, dịch sang tiếng phổ thông, đối chiếu, chỉnh lý văn học cho dễ đọc, dễ hiểu…”. Việc này không phải ngày một ngày hai mà có khi phải làm cả tháng, cả năm vẫn chưa xong. TS Nguyễn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, nhận định: “Trong nhiều năm làm việc say mê, tâm huyết, già Ka Sô Liễng đã công bố nhiều sử thi: Chơlơkôk, Xinh Chi Ôn (tập I), Xinh Chi Ôn (tập II), Bia tơ lúi - Ka ly pu, Anh em Chi blơng, Giàng Hlắk xấu bụng, Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk, Tìm lại chị em Jông Uốt, Chi Liêu, Anh em lạc nhau, Chi Pơ Nâm, Chi Đê… Cuốn nào cũng dày từ vài trăm đến cả ngàn trang. Trong đó, tiêu biểu nhất là sử thi Chơlơkôk. Tác phẩm này phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người của các tộc Êđê, Bana, Chăm H’roi sinh sống trên địa bàn phía Tây Phú Yên từ trước đến nay”. Ghi nhận sức làm việc cần mẫn, công phu và trách nhiệm của ông, đầu năm 2016, Ka Sô Liễng đã vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa dân gian, một phần thưởng cao quý của Nhà nước dành tặng cho tài năng và cống hiến lớn lao của ông.

Không những sưu tầm sử thi, Ka Sô Liễng còn sáng tạo ra chữ viết cho dân tộc mình. Ông trải lòng: “Mình là người dân tộc Chăm H’roi, trong khi người Ê đê, Bana đã có chữ viết từ lâu rồi, mình cũng biết chữ viết của các dân tộc này, còn chữ của dân tộc mình thì chưa, nên phải cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra cái chữ cho dân tộc mình”. Thế là từ ngày về vùng núi, ông kiên trì đến tận các buôn làng người Chăm H’roi ở để ghi lại những bản trường ca, những câu chuyện, tập tục sinh hoạt… rồi nghiên cứu ra chữ viết. Cách làm của ông là dựa trên chữ viết của dân tộc Êđê và mẫu tự Latinh có sẵn, từ đó sáng tạo ra chữ viết cho dân tộc mình.

Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 2010, Ka Sô Liễng đã hoàn thành bộ chữ Chăm H’roi. Đầu 2011, ông gửi bộ chữ này đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để thẩm định, sau đó đưa vào giảng dạy cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh. Trước hết, ông dạy cho thanh niên, học sinh trong xã, rồi lặn lội đến tận vùng sâu, vùng xa như Phước Tân (Sơn Hòa), Xuân Lãnh (Đồng Xuân) truyền chữ cho từng nhà, từng người. Vinh dự hơn, ông còn là người hướng dẫn cho Ban biên tập chương trình phát thanh tiếng Chăm của Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên phát tiếng Chăm H’roi trên sóng 2 lần/tuần cho đồng bào vùng cao nghe. Khi có chữ viết, những bộ sử thi đều được ông dịch song ngữ bằng tiếng phổ thông và tiếng Chăm H’roi.

Cống hiến

Từ ngày nghỉ hưu, Ka Sô Liễng về buôn Kiến Thiết, xã Ea Cha Rang, nơi có đông đồng bào Chăm H’roi và Êđê sinh sống. Mảnh đất hơn 2ha này ông tự bỏ tiền mua và ra sức khai hoang, làm nhà ở và trồng cây từ năm 1999. Hỏi vì sao ông không ở đô thị mà về núi? Ông cười: “Mình sinh ra lớn lên ở núi, quen với tiếng chim, rừng cây, cuộc sống buôn làng, nhưng do nhiệm vụ phải đi xa lâu quá. Bây giờ xong việc nhà nước thì về sống, làm việc, lao động với bà con của mình”.

Mảnh đất bên đường 25 khi đó là một triền đồi sỏi đá, đầy cỏ tranh, cây dại mọc hoang; bây giờ đã thành vườn cây ăn quả ngắn ngày như chuối, đu đủ, thơm, cam, xoài… và số lượng lớn các loại cây lấy gỗ với hơn 1.000 gốc xà cừ, hơn 2.000 cây keo lai, 600 cây điều, 50 cây dó bầu và nhiều cây sầu đông (xoan) đang phát triển xanh tốt. Hiện các loại cây đều đã cho trái, có thu nhập hàng tháng và các loại cây lấy gỗ cũng đã đến kỳ thu hoạch. Ông còn cùng bà con ngăn suối, dẫn nước làm ruộng trồng lúa nước và đào ao nuôi cá. Hiện trong khu vườn của ông có 2 ao đào tự nhiên và 2 hồ xây nuôi nhiều loại cá. Từ mô hình này, nhiều người dân trong thôn, xã đã học hỏi nhân rộng, biết cách làm ăn và từng bước thoát nghèo.

Năm nay Ka Sô Liễng đã bước sang tuổi 80. So với trước, ông đã yếu hơn nhiều nhưng tướng mạo, vóc dáng và giọng nói trầm hùng vẫn mang vóc dáng của một già làng đích thực. Ông cho biết, do sống một mình nên công việc hàng ngày cũng không có gì đặc biệt. Mờ sáng ra ngõ mua thức ăn của những người chở xe máy dưới xuôi lên bán, rồi nấu ăn, quét dọn khu vườn, đọc sách, dịch sử thi. Ông bảo, công việc ngày nào cũng vậy nhưng vẫn dồn tâm trí nhiều nhất vào việc dịch sử thi ra tiếng phổ thông và tiếng của dân tộc mình.

Qua tâm sự, Ka Sô Liễng bộc bạch nguyện vọng rằng, sau này khi khuất núi, toàn bộ khu vườn của ông sẽ trở thành một trường mầm non, thư viện cho con em đồng bào. Trong trường có cả ngàn quyển sách truyền thống văn hóa Chăm H’roi, Êđê, Bana và các dân tộc khác của Việt Nam. Cây gỗ trong vườn ông không bán, đủ để lấy dựng trường hoặc bán đi để mua sắm thêm trang thiết bị cho thư viện... Ý định này của ông vẫn còn ở phía trước nhưng quãng đời đã qua và hiện tại của già Ka Sô Liễng cũng đủ để mọi người kính phục.

ĐÀO TẤN TRỰC

Tin cùng chuyên mục