Nghề bán sách cũ được xem là nét văn hóa độc đáo của Pháp có từ hơn 4 thế kỷ qua; được coi là biểu tượng văn hóa quen thuộc, quan trọng không kém gì tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre hay nhà thờ Đức Bà Paris.
Để có thể tồn tại, nghề này cần đến sự giúp đỡ của Hội đồng TP Paris. Cụ thể, những người quản lý quầy sách cũ được miễn thuế kinh doanh và không phải trả tiền thuê mặt bằng. Cho dù nhận được nhiều ưu đãi, nghề bán sách cũ ngày càng gặp nhiều khó khăn do lệ thuộc vào lượng du khách nước ngoài. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn trong gần 2 năm trở lại đây do tác động của dịch Covid-19. Cho dù chỉ mở cửa vài ngày trong tuần, ngay cả những lúc thời tiết thuận lợi nhất, các quầy bán sách cũ vẫn thưa vắng khách. Điều đó khiến nhiều chủ quầy sách, kể cả những người yêu nghề, đành phải tìm một công việc khác để kiếm sống.
Trong bối cảnh đó, theo đài RFI, Hội đồng TP Paris đã đăng tin tuyển dụng thêm người đứng bán tại các quầy sách hiện đang bị bỏ trống. Hiện giờ, Paris có ở 220 quầy sách nằm dọc 2 bờ sông Seine. Trong số này, 18 quầy sách đang bị bỏ trống. Các ứng viên muốn khai thác quầy sách cần phải nộp đơn đăng ký trước ngày 18-2-2022. Ban tuyển chọn của Hội đồng TP Paris sẽ duyệt đơn đăng ký, kết quả được công bố vào ngày 11-3-2022. Những ứng viên nào được chấp nhận sẽ có giấy phép khai thác các quầy bán sách cũ ven bờ sông Seine.
Ứng viên không cần có bằng cấp hay điều kiện gì đặc biệt, nhưng họ nên có kiến thức về sách. Họ cũng không thể biến quầy sách cũ thành cửa hàng bán đồ lưu niệm bởi theo quy định hiện hành, chỉ có bán sách cũ mới được miễn thuế kinh doanh. Theo Hiệp hội các nhà bán sách cũ (ACBP), nghề này chủ yếu thu hút những người thích đọc sách in, chứ không phải là sách đọc trên các thiết bị điện tử. Mỗi chủ quầy sách thường sưu tầm sách cũ để rồi bán theo sở thích cá nhân hay sở trường chuyên môn.
Nghề bán sách cũ không phải là một nghề dễ kiếm lời, chưa kể tới sự xuất hiện gần đây của các dịch vụ trực tuyến chuyên bán sách cũ hay báo chí sưu tầm. Tuy nhiên, ACBP vẫn hy vọng rằng nghề này sẽ vượt qua khó khăn để có thể tồn tại. Hiện một số người chuyển sang sưu tầm các bộ truyện tranh (ấn bản xưa) để bán cho khách Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ, do các bộ truyện này được viết bằng tiếng Pháp.
Có thể nói, nghề bán sách cũ hiểu theo đúng nghĩa không chỉ là bán sách cũ, mà còn hàm chứa cả một lối suy nghĩ: chủ quầy biết lựa chọn các tựa sách và có đủ niềm đam mê để chia sẻ với khách những giai thoại thú vị về tác phẩm được bày bán. Nếu không có niềm đam mê ấy, chắc hẳn họ đã chuyển sang làm một nghề khác. Bởi chỉ có những người thật sự yêu nghề mới không làm cho nét văn hóa này bị biến tướng.
Các tin, bài viết khác
-
Giữ vững thương hiệu quốc tế Festival Huế
-
Phát động cuộc thi giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” - tiếng hát được cất lên từ sâu thẳm con tim
-
Và Cannes đã trở lại
-
Khai mạc Lễ hội Làng Sen
-
Đầu tư 50 tỷ đồng, Em và Trịnh khiến nhiều người rơi lệ
-
Điêu khắc, hội họa song hành trong triển lãm của Đào Châu Hải và Đinh Phong
-
Chương trình giao lưu “Cuốn sách - Cuộc đời”
-
Lan tỏa và truyền cảm hứng từ những tấm gương bình dị mà cao quý
-
Phát sóng phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình“