Từ những ca ghép thận đầu tiên cho tới nay, Việt Nam đã thực hiện được ghép gan, ghép xương, ghép tế bào… và đang tiến tới ghép tim, ghép tụy, ghép phổi. Nhưng hiện vẫn còn nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo chưa được ghép tạng vì rất nhiều lý do. PGS-TS Đỗ Tất Cường (ảnh), chuyên gia hàng đầu về ghép tạng của Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Tuyến tỉnh đã ghép được tạng
- Ông có thể cho biết những tiến bộ trong ghép tạng ở Việt Nam?
PGS-TS ĐỖ TẤT CƯỜNG: Mặc dù ngành ghép tạng của Việt Nam mới chỉ phát triển chưa đầy 20 năm nhưng thực tế chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc ở trong lĩnh vực này. Bây giờ việc ghép thận không chỉ thực hiện ở các bệnh viện chuyên sâu tuyến trung ương mà bệnh viện tuyến tỉnh, ngành cũng đã thực hiện được như ở bệnh viện Đà Nẵng, Kiên Giang hay 19-8 của ngành công an.
Hơn nữa, cùng với ghép thận, chúng ta cũng đã thực hiện được ghép gan dù số ca ghép vẫn còn hạn chế, rồi ghép xương, ghép tế bào gốc, giác mạc cũng đã trở thành kỹ thuật phổ biến ở nhiều bệnh viện. Đây là điều kiện rất tốt để trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiến dần tới các kỹ thuật ghép tạng cao và phức tạp hơn như ghép tim, ghép tủy và ghép phổi.
Rõ ràng những tiến bộ của kỹ thuật ghép tạng đã khẳng định đường lối đúng đắn về phát triển y tế của Việt Nam. Chúng ta không chỉ tập trung vào y tế cộng đồng mà còn phát triển cả y tế chuyên sâu. Ghép tạng phát triển không chỉ giúp cho người bệnh hiểm nghèo có thêm cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí ra nước ngoài chữa bệnh, hạn chế “chảy máu” ngoại tệ mà còn giúp các chuyên khoa khác cùng có cơ hội phát triển.
Khan hiếm nguồn tạng
- Mặc dù ngành ghép tạng đã có sự tiến bộ nhưng thực tế số người được ghép gan, thận cho tới thời điểm này vẫn rất hạn chế?
Quả thực, mấy trăm trường hợp đã được ghép thận và gan ở trong nước cho tới thời điểm này là rất ít so với nhu cầu hiện nay của bệnh. Cả nước hiện có hàng ngàn trường hợp có nhu cầu ghép thận và gan nhưng không thể thực hiện được vì nhiều lý do. Trong đó yếu tố chính là hiện nay, chúng ta vẫn quá khan hiếm nguồn nội tạng, việc ghép tạng vẫn phải trông chờ vào việc cho, hiến tạng mà đối tượng này lại chủ yếu là người thân của người bệnh.
Cũng đã có nhiều bệnh nhân tâm sự với chúng tôi họ rất muốn được ghép tạng nhưng họ lại lo ngại cuộc sống sau khi ghép tạng không thể đảm bảo được… Đây thực sự là vấn đề cần phải xem xét và giải quyết. Bởi lẽ, với mỗi một ca ghép tạng, chẳng hạn như ghép thận chi phí khoảng 70-80 triệu đồng, nhưng sau ca ghép họ còn phải dùng thuốc để chống thải ghép cả đời, với chi phí cũng 2-3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu bệnh nhân ghép tạng có BHYT thì cũng chỉ được thanh toán 50% chi phí thuốc men.
Như vậy kể cả với bệnh nhân có cuộc sống khá thì chi phí thuốc men sau ghép tạng cũng là một gánh nặng không nhỏ trong cuộc sống, chưa kể tới những người nghèo, mà phần lớn người có nhu cầu ghép tạng lại là người nghèo hoặc nông dân, vùng sâu, vùng xa. Do đó, để có nhiều người được ghép tạng hơn nữa thì nhà nước cần có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ họ, có vậy mới giúp người mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội sống tốt hơn.
- Để giải quyết việc khan hiếm nguồn nội tạng, có nhiều ý kiến cho rằng nên lấy tạng từ người chết não. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đã có luật về Hiến ghép mô tạng và việc lấy tạng từ người chết não cũng đã được nghiên cứu và bàn bạc bấy lâu nay. Nếu lấy tạng được từ người chết não thì quả thực chúng ta sẽ có được một nguồn nội tạng phong phú để phục vụ cho việc ghép tạng. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, tâm lý khi chết phải toàn thây vẫn còn rất sâu sắc nên khó có thể thực hiện được. Do đó, chỉ có cách đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ được rằng, việc hiến, cho nội tạng khi chết não có ý nghĩa vô cùng lớn đối với cuộc sống của rất nhiều người.
Thực tế việc lấy nội tạng của người chết não đang là vấn đề nan giải của nhiều nước. Và hiện trên thế giới để khắc phục tình trạng khan hiếm nội tạng để ghép đã có những nghiên cứu về việc lấy nội tạng động vật để ghép cho người, hay ghép tạng của những người không cùng nhóm máu, hạn chế sự tương thích về chỉ số sinh học. Nhưng để những nghiên cứu này thành thực tế thì đòi hỏi cần rất nhiều thời gian và công sức nữa.
- Xin cảm ơn ông.
Về ca ghép tim ở người đầu tiên tại Việt Nam dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay tại Bệnh viện Quân y 103. Để chuẩn bị cho ca ghép này, bệnh viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và tiến hành các ca ghép tim thực nghiệm trên động vật từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó và phức tạp nên đòi hỏi cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Vì ghép tim khác hoàn toàn với ghép gan hay thận vì mỗi người chỉ có một quả tim, việc ghép tim cần phải lấy nguồn từ người chết não… |
Quốc Khánh