
Tháng 4-2006, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng - nay là Thủ tướng, đã về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Lần đó, ông về với tâm trạng âu lo vì dự án đang bị chậm hơn 4 tháng so với tổng tiến độ. Một năm sau, ngày 23-4-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại về, nhưng lần này, nỗi âu lo càng trĩu nặng hơn, trên trán của vị Thủ tướng luôn xuất hiện nếp nhăn mỗi khi đặt câu hỏi với các nhà thầu: Tại sao tiến độ thi công lại chậm nghiêm trọng thế, lần trước tôi về chậm có 4 tháng, nay lại lên 6 tháng?
Tất cả gói thầu đều chậm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 3 từ phải sang) nghe đại diện chủ đầu tư báo cáo tiến độ thi công các gói thầu Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ngay tại công trường Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, không biết có phải do cái nắng gay gắt đầu mùa của miền Trung hay vì tiến độ nhà máy lọc dầu bị chậm mà ông Trương Văn Tuyến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiêm Trưởng ban Quản lý nhà máy lọc dầu, khi báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trán ướt đẫm mồ hôi. Mặc dù đã huy động lực lượng thi công trên 7.000 người, nhưng ở gói thầu EPC số 1+4 và 2+3, nhà thầu Technip mới chỉ thực hiện khoảng 60% khối lượng công việc, chậm 19,7%, tương đương 6 tháng.
Trong đó, công tác thiết kế đạt 92% khối lượng công việc, chậm 6,2%; mua sắm thiết bị 73%, chậm 15,9%. Đặc biệt, thi công xây dựng mới chỉ đạt khoảng 17%, chậm 30%... Gói thầu EPC 5A đang bị chậm 2 - 3 tháng ở công tác khoan cọc và đổ bê tông, gói thầu 5B đang bị chậm 3 - 4 tháng đã khiến chi phí phát sinh khoảng 2,6 triệu euro và nhà thầu VODMC (Hà Lan) đang đề nghị chủ đầu tư phải trả.
Việc chậm trễ này đã kéo theo sự chậm trễ của gói thầu số 7... Ông Tuyến thông báo: Với sự cố gắng của chủ đầu tư và các nhà thầu, công tác xây dựng trên công trường đã có chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được tiến độ, chưa bù được những chậm trễ trước đó. “Chậm ở nhà thầu nào, khâu nào, vì sao chậm?” - Thủ tướng gay gắt hỏi. “Tiến độ thi công của các nhà thầu phụ Việt Nam yếu; nhất là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) chậm khoảng 5 tháng, nhân lực mới chỉ đạt 373 người so với yêu cầu 750 người; Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng cũng chậm 3 - 7 tháng; nhân lực mới cũng chỉ 300 người so với nhu cầu công việc là 700 người...
Ngoài ra, Công ty Xây lắp hóa chất (CCIC), Bộ Công nghiệp cũng thi công ở tình trạng ì ạch; so với yêu cầu thì nhân lực thiếu trầm trọng, chỉ có 97/170 người... Chung quy cũng vì công tác điều hành, giám sát yếu, không có phó tổng giám đốc điều hành như đã hứa với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp; việc thực hiện thi công ca 3 mới chỉ có Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện đến 22 giờ, các nhà thầu khác chưa triển khai...” - ông Tuyến báo cáo.
“Tôi rất sốt ruột!”

Thi công hạng mục chân tháp lắp đặt thiết bị chưng cất dầu. Ảnh: HÀ MINH
Làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu và các nhà thầu phụ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các đơn vị đã có nhiều cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện những cam kết của mình đối với chủ đầu tư, đối với Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trước những khó khăn, trở ngại gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiêm trọng, lại rơi vào khâu xây dựng, Thủ tướng bất bình: “Vinaconex làm gì thế này, tại sao thế? Do khách quan hay cố tình gây trở ngại?”.
Thủ tướng nhắc nhở: “Đây không phải một hợp đồng kinh tế, không phải làm để có công ăn việc làm. Mà chúng ta làm với nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm chính trị với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân. Ở đây, đều là cán bộ, đảng viên cả, không thể nghĩ đơn giản rằng nếu tôi không hoàn thành, cùng lắm là bồi thường 5%-10%, không phải thế, mà cũng không nên nghĩ thế. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã giao cho mình, dù ở gói thầu nào đấy, lỗ cũng phải làm, làm đầy đủ trách nhiệm, trách nhiệm cao”.
Thủ tướng tha thiết: “Vừa là Thủ tướng vừa là Trưởng ban chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia, tôi thấy lo lắng, sốt ruột và rất băn khoăn, nếu chúng ta không quyết liệt thì sẽ không đạt được tiến độ đề ra. Việc để chậm tiến độ, tôi thẳng thắn nhận lỗi về mình, nhận lỗi trước Quốc hội. Nhưng các đồng chí không chỉ chịu trách nhiệm trước tôi mà còn có lỗi với nhân dân. Cả nước trên 80 triệu dân, cả Chính phủ điều hành một công trình có mấy tỷ USD mà làm như thế này thì hội nhập, cạnh tranh làm sao? Tại TPHCM hôm nay có một hội nghị đối ngoại với 500 nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tôi đã ngồi đây với các đồng chí là vì tôi sốt ruột. Không phải tôi vào để phê phán các đồng chí mà nói để thấy trách nhiệm đối với nhau, để cùng có trách nhiệm chung với đất nước”.
Đối với trách nhiệm của tổng thầu về việc để chậm tiến độ, Thủ tướng khẳng định: EPC phải chịu trách nhiệm về những hợp đồng, cam kết của mình với chủ đầu tư, với nhà thầu phụ. Phải tìm mọi cách để đẩy nhanh và khôi phục lại tiến độ đã bị chậm. Phải nói rõ ràng: nhà thầu phụ là do tổng thầu EPC lựa chọn, ký kết hợp đồng. Tổng thầu EPC phải có trách nhiệm xử lý, xử phạt các nhà thầu phụ, kể cả thay đổi nhà thầu; xử lý hình sự khi họ không hoàn thành và thực hiện đúng hợp đồng với tổng thầu EPC vì gây hậu quả nghiêm trọng.
Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ nhà thầu EPC đôn đốc, thúc đẩy, yêu cầu các nhà thầu phụ phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký với tổng thầu EPC. Nếu cần thiết, theo thẩm quyền, có thể xử phạt nhà thầu phụ không làm đúng trách nhiệm của mình. Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu phụ Vinaconex, Bạch Đằng, CCIC phải nghiêm túc thực hiện công việc, nếu không thực hiện được sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
HÀ MINH