Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo” - Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM: Sẽ xử lý nếu có “trục lợi”

Sau khi đăng tải loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo, ngày 9-11, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TPHCM, xung quanh nội dung loạt bài này. Ông Trần Trường Sơn cho biết:
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử nhân văn, cao cả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử nhân văn, cao cả. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trước hết, cảm ơn báo chí đã đưa một số thông tin nhiều chiều đến bạn đọc. Với vai trò là cơ quan chủ quản của Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, Hội Chữ thập đỏ TPHCM có cơ sở tiếp thu, xem xét, việc gì tốt sẽ tiếp tục phát huy, việc gì chưa tốt, còn hạn chế, tồn tại sẽ cố gắng khắc phục.

Với các tỉnh, thành khác, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành trực tiếp làm việc, thực hiện các gói thầu, nhưng riêng tại TPHCM có Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM thực hiện công việc này. Hội Chữ thập đỏ TPHCM có chủ trương trực tiếp chỉ đạo để Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM chọn lựa các gói thầu đúng quy định.

Hội Chữ thập đỏ TPHCM đi sau các đơn vị khác về việc đa dạng hóa quà tặng hiến máu. Trước kia, chúng ta chủ yếu tặng quà cho người hiến là sữa. Qua nhiều năm, lực lượng người hiến máu có nhiều đối tượng như thanh niên, trung niên và bên cạnh cần sữa, người ta cũng cần những quà tặng đa dạng. Trung tâm thực hiện khảo sát, theo dõi, tìm hiểu và bắt đầu làm thí điểm từ năm 2021. Sau thời gian thí điểm, lấy ý kiến người hiến máu, trên cơ sở đó có quyết định tiếp tục thực hiện. So với các tỉnh thành thực hiện hoạt động quà tặng, TPHCM vẫn giữ lại 30% quà là sữa. Hội Chữ thập đỏ luôn luôn thực hiện kiểm tra giám sát để biết hoạt động nào tốt và chưa tốt.

Trước kia, khi chưa áp dụng gói quà tặng mà chỉ tặng sữa, các bác sĩ, tài xế phải khuân vác vất vả. Trung tâm không có nguồn và Nhà nước không chi trả cho những nội dung này. Bắt buộc, trung tâm phải chọn đấu thầu gói dịch vụ quà tặng và dịch vụ đi kèm. Về nguồn gốc của các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đã có tìm hiểu kỹ lưỡng.

Về cơ bản, họ mua quà đúng chứ không sai. Tuy nhiên, do mua quà giá trị lớn và qua giá sỉ thì dĩ nhiên giá buôn và giá lẻ sẽ khác nhau. Thêm nữa, khi họ mua ở tùy thời điểm có mức giá khác nhau, có thể có đợt khuyến mãi thì giá hàng hóa trên kệ rẻ hơn. Tùy thời điểm mua mà giá cao hay thấp so với hàng hóa trong gói quà tặng. Tóm lại, khi vào thực hiện, các món quà đều đưa vào đấu thầu thẩm định giá.

Là đơn vị quản lý, cái gì sai liên quan đến “trục lợi”, chúng tôi sẽ xử lý tới nơi tới chốn, bởi hiến máu nhân đạo là hoạt động nhân văn, có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn. Người đi hiến máu đa phần rất vô tư, họ không suy nghĩ gì về quà tặng. Họ chỉ nghĩ cho đi chứ không mong nhận lại. Bộ phận trao quà không được lái theo chuyện đó mà phải rõ ràng, trao đủ quà cho họ. Sắp tới đây, chúng tôi chấn chỉnh việc này.

Về chuyện đấu thầu, thực ra khi đấu thầu, các đơn vị đều được tham gia. Tuy nhiên, có đơn vị đáp ứng được, đơn vị không. Trong câu chuyện này, nhìn ra được vấn đề là các Hội Chữ thập đỏ bị “dính chưởng” các doanh nghiệp, chúng tôi cũng không hiểu được. Còn tổ chức đấu thầu là có đơn vị độc lập được thuê. Công ty Cường An phải giải trình cho Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM về vụ việc này. Hội Chữ thập đỏ đề nghị Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM phải kiểm tra lại.

Với phong trào hiến máu tình nguyện, khi người ta cho đi mình tặng phần quà ý nghĩa như một lời cảm ơn gửi lại. Nhiều khi đưa tiền lại như một món hàng, quan hệ mua bán, nếu không khéo trở thành nhạy cảm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, “sửa” lại các phần quà. Cũng nên có hướng dẫn nếu cần từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong việc thực hiện quà tặng như thế nào cho đúng. Quan trọng không chỉ là cho sữa hay cho quà tặng mà còn là công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên và nếu ai sai sẽ xử lý đến nơi, tùy theo mức độ.

Anh Ngô Bá Nhất, ngụ quận 4, TPHCM, hơn 20 lần hiến máu tình nguyện: Tôi vẫn sẽ hiến máu…

Tôi có theo dõi loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo những ngày qua trên Báo SGGP, nêu ra những khuất tất trong các phần quà dành cho người hiến máu. Phải nói rằng, không chỉ tôi mà rất nhiều người khác tham gia hiến máu nhân đạo không quan tâm đến những phần quà này. Chúng tôi nghĩ, hiến máu là một nghĩa cử đẹp, một việc làm mà bất cứ ai có đủ điều kiện sức khỏe đều nên làm, bởi có thể phần máu mình hiến tặng giúp được một cuộc đời khác.

Tuy nhiên, theo tôi, việc xử lý những sai phạm nếu có, đối với những cá nhân, tổ chức có khuất tất trong các phần quà dành cho người hiến máu là cần thiết. Điều đó góp phần làm minh bạch các hoạt động thiện nguyện, tăng thêm sự tin tưởng cho người tham gia hiến máu. Về phần mình, tôi vẫn sẽ hiến máu. Sai phạm tới đâu thì xử tới đó, còn người hiến máu hãy tiếp tục hiến máu cứu người…

-------------------------------------

Bà Trần Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM: Mượn trước, nếu không trúng thầu... trả lại sau

Trong quá trình Báo SGGP phản ánh những khuất tất về quà tặng, suất ăn nhẹ của hoạt động hiến máu tình nguyện qua loạt bài Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo, chúng tôi đã có 2 buổi trao đổi trực tiếp với BS Trần Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, để làm sáng tỏ thêm vấn đề.

Tại cuộc gặp ngày 7-11, BS Trần Thị Thắm cho biết, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM - một đơn vị thực hiện tuyên truyền, vận động và tiếp nhận đến 3/4 lượng máu trên địa bàn thành phố. Việc cung cấp máu hiến nhân đạo trên địa bàn TPHCM hiện có 4 đơn vị: Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận và cung cấp cho 5 tỉnh miền Đông Nam bộ. BV 175 thực hiện cho chính BV. Còn lại BV Truyền máu Huyết học TPHCM và Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM cung cấp cho 150 BV trên địa bàn thành phố (khoảng 210.000 đơn vị máu). Riêng Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM mỗi năm cung cấp từ 170.000-175.000 đơn vị máu cho các BV.

Liên quan đến quà tặng cho người hiến máu, bà Thắm khẳng định không hề có trục lợi. Theo BS Thắm, ngoài tuyên truyền, vận động và tiếp nhận máu, trung tâm còn thực hiện theo Thông tư 17 của Bộ Y tế về việc cung cấp, phát quà cho người hiến máu. Thực tế, trung tâm không đủ nhân sự để đảm đương phụ trách phần quà tặng nên thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ. “Trung tâm hiến máu giống như đi gia công cho bên BV Truyền máu Huyết học, chỉ nhận 30.000 đồng/túi máu. Các chi phí dành cho người hiến máu như tiền đi lại, tiền ăn nhẹ và quà tặng cho ngưởi hiến máu theo thể tích… là được trả theo quy định”, BS Thắm nói.
Theo BS Thắm, về đấu thầu, trung tâm không có chức năng, nhiệm vụ nên phải thuê đơn vị, công ty tư vấn, đấu thầu và thẩm định giá, thực hiện đấu thầu online, đơn vị trúng thầu sẽ bao trọn gói khâu phát quà, mỗi lần lấy máu ở đâu thì xe dịch vụ đi đến đó.
Khi được hỏi, trung tâm có giám sát việc tặng quà của đơn vị cung cấp dịch vụ không, bà Trần Thị Thắm cho biết: Ngoài phiếu quà tặng, còn có danh sách người hiến máu có thông tin liên lạc, thể tích máu hiến và ký nhận quà. Thỉnh thoảng, trung tâm sẽ gọi điện đến người hiến máu để kiểm tra. Nếu có thiếu sót, trung tâm báo lại để phía đơn vị cung cấp khắc phục…
Về nội dung viết thư pháp bán khung treo tại một số điểm hiến máu mà Báo SGGP phản ánh, BS Thắm khẳng định trung tâm không quản lý, không liên quan. Liên quan vấn đề này, BS Phạm Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết thêm: Với việc này, trung tâm từng cảnh báo, nhắc nhở trong buổi họp giao ban các hội chữ thập đỏ quận, huyện nhưng sơ ý bỏ qua các công ty nên xuất hiện lỗ hổng khi tổ chức tại những đơn vị này. Trung tâm sẽ rút kinh nghiệm.
Trong cuộc gặp sáng 9-11, khi PV Báo SGGP đặt vấn đề liên tiếp những gói thầu về quà tặng của trung tâm từ giữa năm 2021 đến 2023 đều do Công ty cổ phần Sự kiện Cường An trúng thầu, giá trúng thầu luôn bằng giá dự toán… liệu có bất thường? Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ TPHCM yêu cầu trung tâm trả lời. Bà Thắm cho biết sẽ kiểm tra lại. Trao đổi qua điện thoại vào trưa cùng ngày, nói về gói thầu số 01 về mua sắm quà tặng phục vụ hiến máu tình nguyện cho trung tâm từ tháng 5-2022 đến tháng 1-2023 nhưng phải đến tháng 7 mới tiến hành đấu thầu, bà Thắm cho biết, trung tâm mượn trước bên Công ty Cường An để cung cấp kịp thời cho người hiến máu. Trong trường hợp đơn vị này không trúng thầu thì sẽ trả lại.
Trong văn bản ngày 8-11 gửi Báo SGGP, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM cho biết: Tại điểm hiến máu cố định, trung tâm có tổ chức suất ăn nhẹ cho người hiến máu, tiêu chuẩn trị giá 30.000 đồng bao gồm: 2 ly trà đường, một hộp sữa tươi, một hộp sữa đậu nành, một bánh bơ sữa Kinh Đô, một bánh ngọt nhỏ Socola (ảnh 1, trung tâm gửi ngày 8-11). Nhưng thực tế, PV Báo SGGP ghi nhận từ người hiến máu tại điểm hiến máu trực tiếp ngay trụ sở trung tâm (106 Thiên Phước, phường 9, Tân Bình) thì không đúng như vậy (ảnh 2, chụp ngày 24-10, kèm với phần quà tặng người hiến máu 350ml).
Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo” - Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM: Sẽ xử lý nếu có “trục lợi” ảnh 1 Ảnh 1
Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo” - Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM: Sẽ xử lý nếu có “trục lợi” ảnh 2 Ảnh 2

Tin cùng chuyên mục