Phần lớn các dự án ODA trong lĩnh vực GD-ĐT đều đảm bảo tiến độ

° Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ được đào tạo ngành y dược khi đủ điều kiện

° Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ được đào tạo ngành y dược khi đủ điều kiện

(SGGP).- Ngày 28-12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên giải trình của Chính phủ về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, một số dự án còn chậm trễ trong giai đoạn khởi động do triển khai tại các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Về tỷ lệ giải ngân, trong số các dự án ODA thuộc giai đoạn 2004 - 2014, có 12 dự án đã kết thúc (đạt tỷ lệ giải ngân khi hoàn thành 93%; một số dự án khi kết thúc đã giải ngân trên 100%) và 11 dự án đang triển khai. Trong số các dự án ODA đang thực hiện có một số dự án sắp kết thúc có kết quả thực hiện được nhà tài trợ đánh giá tốt, như chương trình phát triển giáo dục trung học; dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non.

Trên cơ sở các định hướng ưu tiên của Chính phủ, chiến lược đối tác quốc gia và chính sách ưu tiên của các nhà tài trợ, sau khi trao đổi với các nhà tài trợ và cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Bộ GD-ĐT đã đề xuất các dự án ODA cho giai đoạn 2016 - 2020, gồm dự án phát triển các trường sư phạm; dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học; chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2; dự án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi khẳng định, các dự án ODA đầu tư cho GD-ĐT không chỉ giúp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu áp dụng các mô hình GD-ĐT tiên tiến trên thế giới và các phương pháp, kinh nghiệm tốt trong quản lý GD-ĐT. Tuy nhiên, các quy định về pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu ổn định và giá trị pháp lý chưa cao; hệ thống thông tin về ODA còn chưa đầy đủ, thống nhất và cập nhật… Vì vậy, các ý kiến của ủy ban khuyến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện thay đổi nhận thức, tư duy về quản lý, sử dụng vốn ODA; hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm...

° Chiều 28-12, đoàn kiểm tra Liên bộ GD-ĐT và Y tế họp báo công bố kết quả kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo điều kiện cần thiết để đào tạo ngành y đa khoa và dược học. Đoàn kiểm tra thống nhất đánh giá, đối với ngành dược học, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành dược từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế. Chỉ tiêu xác định theo đúng Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT. Đối với ngành y đa khoa, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 1 tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, tâm thần, ký sinh trùng, sinh lý bệnh, miễn dịch, mô phôi; thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đề nghị trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được công nhận là phân hiệu của trường tại Từ Sơn - Bắc Ninh.

Bộ GD-ĐT chỉ chấp nhận cho các trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh khi bảo đảm các điều kiện.

LÂM NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục