Phần lớn lý do tai nạn giao thông xảy ra với học sinh: Khó chấp nhận!

Đó là: đi bộ dưới lòng đường; đeo tai nghe nghe nhạc khi sang đường; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; đi hàng hai, hàng ba; vượt đèn đỏ...

Theo kết quả nghiên cứu An toàn giao thông (ATGT) năm 2016, về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội do Ủy ban ATGT quốc gia công bố ngày 26-7 thì có tới 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em là học sinh cấp 3.

Dữ liệu của phòng CSGT Hà Nội cho thấy tai nạn giao thông (TNGT) đang có xu hướng giảm dần trong 3 năm gần đây (2014-2016), tuy nhiên, TNGT liên quan tới trẻ em vẫn có biến động bất thường.

Tỷ lệ thiệt mạng trên 100 học sinh do TNGT của học sinh THPT tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39. Cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực châu Á. Cụ thể, cao gấp 1,25 lần tỷ lệ trung bình của Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc.
Nguyên nhân hàng đầu của các vụ TNGT của học sinh phổ thông được chỉ ra là do đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT có sự khác biệt lớn trong phương thức đi lại giữa học sinh lớp 9 và học sinh THPT.
Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như đi xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%) thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỷ lệ lên tới 52%.
Đáng báo động là tỷ lệ TNGT của nhóm học sinh tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, chiếm khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh bị TNGT thì có 1 học sinh bị tai nạn liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện, chiếm tới khoảng 55%.
Điều đó cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Nghiên cứu cũng thống kê các hành vi rủi ro mất ATGT thường xảy ra với nhóm đối tượng học sinh cụ thể là: Đi bộ dưới lòng đường; đeo tai nghe nghe nhạc khi sang đường; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; khi rẽ, chuyển hướng thì đánh giá không đúng tốc độ của phương tiện đi tới và không bật tín hiệu xin đường; đi hàng hai, hàng ba; vượt đèn đỏ; phanh gấp; cố vượt qua nút giao khi đèn vàng…

Tin cùng chuyên mục