Ngày 9-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gặp mặt để giải quyết những bất đồng liên quan đến cách thức sử dụng công cụ tài chính của Liên minh châu Âu (EU), giúp xử lý cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đang đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu.
Tình thế nước sôi lửa bỏng
Theo Reuters, Pháp và Đức đều nhất trí rằng điều chỉnh cơ cấu vốn, bổ sung thêm vốn là điều các ngân hàng của EU cần phải làm. Tuy nhiên, làm thế nào để các ngân hàng có thêm vốn lại là câu hỏi mà 2 bên chưa tìm được đáp án chung.
Thủ tướng Đức A.Merkel thì cương quyết rằng bất cứ ngân hàng nào điều chỉnh cơ cấu vốn cần phải có vốn của chính ngân hàng đó, rồi đến chính phủ các quốc gia và cuối cùng không còn cách nào khác mới phải sử dụng đến Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).
Ngược lại, Pháp muốn sử dụng ngay 440 tỷ USD từ quỹ trên để điều chỉnh cơ cấu vốn của các ngân hàng trong khu vực. Sau đó lại là chuyện sử dụng EFSF như thế nào để mua nợ công các nước. Pháp không muốn thiết lập các chỉ dẫn đối với EFSF, trong khi Đức lại muốn giới hạn số tiền cho mỗi quốc gia thành viên cũng như giới hạn thời gian để mua trái phiếu.
Liệu Đức và Pháp có thống nhất được quan điểm trong các vấn đề mang yếu tố quyết định vào thời điểm nước sôi lửa bỏng của EU hiện nay? Nhất là khi Hy Lạp đang đứng bên bờ vực phá sản; Chính phủ Ireland ngày 8-10 thông báo cần hơn 100 tỷ EUR để giải quyết vấn đề nợ công; Ngân hàng Pháp-Bỉ Dexia-nạn nhân đầu tiên của vụ khủng hoảng điêu đứng và đang chờ cứu giúp…
Theo Financial Times, trong cuộc gặp lần này, Hy Lạp sẽ tiếp tục là đề tài nóng. Đầu tháng 10 vừa qua, bộ trưởng tài chính 17 nước khu vực đồng euro đã quyết định tạm hoãn gói cứu trợ thứ 6 tiếp theo cho Hy Lạp trị giá 8 tỷ EUR.
Các nước châu Âu yêu cầu Athens cần thêm nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng và siết chặt hơn chi tiêu ngân sách trong hai năm 2013-2014, khi đó họ mới quyết định có tiếp tục giải ngân hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng Hy Lạp đã bị lún sâu vào suy thoái, với hơn 16% lực lượng lao động bị lâm vào cảnh thất nghiệp nên không còn khả năng gánh chịu thêm nhiều biện pháp khắc khổ nữa. Ép Hy Lạp thắt lưng buộc bụng thêm vào lúc này là điều phi lý.
Hy Lạp “bó tay”?
Kể từ giữa năm 2010, để đánh đổi lấy gói hỗ trợ tài chính thứ nhất lên đến 110 tỷ EUR, kèm theo lời hứa về một gói cứu viện thứ hai trị giá 160 tỷ EUR, chính quyền Athens đã áp đặt nhiều liệu pháp quyết liệt.
Tuy nhiên, Hy Lạp đã không thực hiện được nghĩa vụ của mình. Thâm hụt ngân sách trong năm 2011, thay vì phải hạ xuống còn 7,4% GDP, thì lại tăng lên 8,5% GDP. Kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh cũng ì ạch… Đó cũng chính là lý do khiến nước này không thể thắt lưng buộc bụng thêm.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs, tiết giảm thêm ngân sách sẽ kéo dài tình trạng suy thoái của Hy Lạp cho đến năm 2013. Hệ quả của tình trạng này là thay vì giảm bớt, các khoản nợ của Hy Lạp lại bị phình lên. Từ mức 127% GDP trong năm 2009, nợ của Hy Lạp đã tăng lên 143% trong năm 2010 và dự kiến sẽ vượt quá mức 160% vào năm 2011. Vào năm 2012, tỷ lệ đó sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính châu Âu, Jean Claude Juncker cho biết nhiều khả năng đến ngày 24-10 các chuyên gia của “bộ 3” (gồm EU, ECB và IMF) sẽ công bố báo cáo về đánh giá tiến độ cải cách ở Hy Lạp sau khi tiến hành đợt khảo sát tại nước này trong tháng qua. Theo các nhà kinh tế, các nhà tài trợ cho Hy Lạp chỉ có 2 lựa chọn: cho Hy Lạp thêm thì giờ để chấn chỉnh hoặc là xóa bỏ một phần nợ.
ĐỖ VĂN (Tổng hợp)