Phát biểu trước ĐHĐ LHQ khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác với thế giới

Chiều 22-9 (theo giờ New York, tức rạng sáng 23-9 giờ Việt Nam), trong Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. 

Kiểm soát đại dịch thông qua hợp tác quốc tế 

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu các đề xuất cụ thể, như thúc đẩy hợp tác đa phương với LHQ là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp, chiến tranh, xung đột, tranh chấp tài nguyên, biến đổi khí hậu, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Chủ tịch nước cho rằng: “Đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa”.

Theo Chủ tịch nước, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch Covid-19 thông qua hợp tác quốc tế, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.

Trước những tác động sâu sắc của đại dịch làm bộc lộ rõ những yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, Chủ tịch nước cho rằng cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia, để từ đó có thể biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế. 

Việt Nam đóng góp trách nhiệm 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những nỗ lực nói sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của hiệp hội trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Phát biểu trước ĐHĐ LHQ khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác với thế giới ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 76. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung cho cộng đồng quốc tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.

3 nhóm giải pháp cho an ninh khí hậu

Theo TTXVN cùng ngày, nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất, HĐBA cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó. Để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu, Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.

Thứ hai, cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.

Thứ ba, cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế lớn khác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon.

Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại HĐBA, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, các bạn bè quốc tế đã đến gặp gỡ và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ chia sẻ và đánh giá cao bài phát biểu. Nhiều bạn bè quốc tế cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch nước đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào công việc chung của LHQ. 


Trưa 22-9 (theo giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden chủ trì tổ chức nhân dịp ĐHĐ LHQ khóa 76.

Phát biểu trước ĐHĐ LHQ khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác với thế giới ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, Chủ tịch nước đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống các nước Mông Cổ, Thụy Sĩ, Áo và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng giám đốc Tập đoàn Quantum (Hoa Kỳ); đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) và lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia…

Cùng ngày, theo giờ New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ thân tình và chứng kiến lễ tiếp nhận thiết bị y tế do kiều bào tại Hoa Kỳ ủng hộ người dân trong nước phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục