Bắt đầu triển khai từ ngày 1-9, phong trào thi đua sẽ được thực hiện đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tại từng địa phương trên địa bàn thành phố. Công đoàn các cấp cơ sở cần tuyên truyền trong cán bộ, nhà giáo, người lao động về truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tinh thần tương thân tương ái của người dân thành phố; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch bệnh...
Với mục tiêu “Mỗi cán bộ, đoàn viên, nhà giáo, người lao động là một chiến sĩ” và “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, mái nhà bình yên”, Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, cán bộ, nhà giáo, người lao động đoàn kết, chung sức khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo thi đua trong phòng chống dịch Covid-19 và giảng dạy, học tập, công tác.
Ngoài ra, các cấp công đoàn tổ chức huy động nguồn lực chăm lo đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động khó khăn, nhất là những người trong khu vực bị phong tỏa, cách ly và cán bộ, đoàn viên trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch, có cách làm hay, giải pháp sáng tạo đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu thực tiễn và diễn biến dịch bệnh tại địa phương; tăng cường phát huy các mô hình “Tổ an toàn Covid-19”, “Nghĩa tình công đoàn”, “Bếp ăn nghĩa tình”…
Các cấp công đoàn cũng cần chủ động phát hiện, kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh và thi đua dạy học tốt. Trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các kênh thông tin, mạng xã hội trong công tác phát động, tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của cán bộ, đoàn viên, phối hợp và thống nhất với người sử dụng lao động, thủ trưởng cơ quan, đơn vị các giải pháp đảm bảo an toàn, ổn định đời sống và duy trì việc làm cho cán bộ, nhà giáo, người lao động.