Phát huy tự chủ trong cơ sở giáo dục

Đầu năm học, dư luận bức xúc về hàng loạt vấn đề như lạm thu tiền trường, quá tải thời khóa biểu, lạm dụng hoạt động ngoại khóa… diễn ra ở các trường phổ thông. Khi xảy ra sai phạm, hiệu trưởng bị nhắc nhở nhưng hình thức này không đủ sức răn đe. Câu hỏi được đặt ra là làm sao phát huy quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị?
Phát huy tự chủ trong cơ sở giáo dục

Đẩy mạnh trao quyền

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình giáo dục trước đây (Chương trình 2006) là xây dựng khung chương trình thống nhất, không phân biệt cụ thể nội dung nào thuộc chương trình buổi 1, nội dung nào buổi 2, đồng thời phân cấp cho các trường thực hiện dựa theo điều kiện, nhu cầu thực tế của đơn vị.

Trong đó, ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, trường học được lựa chọn một trong các hoạt động (gồm: củng cố các nội dung học tập; hoạt động phục vụ nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương) để tổ chức cho học sinh đăng ký tham gia. Khoản 2, Điều 9, Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23-3-2021 của Chính phủ về quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập cũng quy định, người đứng đầu đơn vị (ở đây là hiệu trưởng) có trách nhiệm tổ chức kế hoạch giáo dục của nhà trường, bộ máy nhân sự, quản lý tài chính, tài sản và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, hiện nay việc xử lý hiệu trưởng sai phạm trong quản lý thu, chi ở các trường học còn “giơ cao đánh khẽ”, đa số các trường hợp chỉ bị nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe. Thay vào đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát của UBND các quận, huyện để không còn hiệu trưởng ngó lơ, thậm chí gián tiếp tiếp tay cho lạm thu ở các trường học

Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), năm học 2023-2024, TPHCM tập trung phát huy dân chủ cơ sở theo Luật Dân chủ cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 21-7-2023. Trong đó, cơ sở giáo dục được trao quyền tự chủ thực hiện chương trình giáo dục.

Cũng trong năm học này, lần đầu tiên HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 04 quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu tất cả đơn vị trường học xây dựng dự toán thu, chi cụ thể đối với từng khoản thu, không đồng loạt áp dụng tối đa 26 khoản thu hoặc triển khai mức thu cao nhất theo quy định của Nghị quyết 04.

Riêng đối với các khoản thu phục vụ công trình xã hội hóa, hiệu trưởng không phó thác hoàn toàn trách nhiệm cho ban đại diện cha mẹ học sinh mà phải cùng theo dõi, có ý kiến nếu chưa có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Một lần nữa, cơ sở giáo dục được đẩy mạnh trao quyền, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Cần sự đồng thuận của phụ huynh

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhìn nhận, hiện nay mỗi cấp học có đặc thù khác nhau khi triển khai các hoạt động giáo dục, đòi hỏi sự linh động của nhà trường căn cứ vào các điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, tình hình nhân sự.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, hạn chế phòng ốc, áp lực gia tăng sĩ số học sinh/lớp, trường học càng phải linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo yêu cầu về chất lượng dạy học cho học sinh.

“Tôi biết hiện nay nhiều hiệu trưởng rất tâm tư, thậm chí có ý định dừng lại các chương trình, hoạt động giáo dục đang triển khai phục vụ các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Để triển khai hiệu quả các hoạt động, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến.

Liên quan đến việc triển khai các chương trình liên kết, hoạt động ngoài giờ chính khóa cho học sinh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu tất cả hoạt động triển khai trên tinh thần tự nguyện, lớp học tổ chức theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh. Nơi nào phụ huynh chưa đồng thuận thì phải trao đổi lại để có ý kiến đồng thuận theo từng cá nhân, không lấy ý kiến đồng thuận theo đơn vị lớp. Trường học thông báo công khai kế hoạch dạy học buổi 2, xây dựng thời khóa biểu riêng giữa các hoạt động giáo dục bắt buộc và hoạt động đăng ký tự nguyện, tránh để người học và gia đình người học hiểu nhầm tất cả hoạt động đều bắt buộc học sinh đăng ký tham gia.

Nhằm triển khai Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã ban hành văn bản hướng dẫn thu học phí và các khoản thu khác năm học 2023-2024. Trong đó, trường học áp dụng mức thu cho năm học này không tăng quá 15% so với mức thu của năm học 2022-2023, đồng thời không được cao hơn mức trần theo quy định của Nghị quyết 04.

Tin cùng chuyên mục