Phát triển công nghệ và đào tạo là động lực cho Đà Nẵng

Chiều 20-5, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới”.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ sống còn trong chiến lược phát triển bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ sống còn trong chiến lược phát triển bền vững của Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột chiến lược cho phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là ưu tiên mà là nhiệm vụ sống còn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và chuyển đổi xanh.

“Đà Nẵng cần tái định vị mô hình tăng trưởng, dựa trên ba trụ cột: nâng cao năng lực công nghiệp – doanh nghiệp, đẩy mạnh công nghệ, và phát huy vai trò ‘Thành phố đại học’”, ông Chinh nhấn mạnh. Lãnh đạo thành phố mong muốn tiếp nhận hiến kế từ giới chuyên gia, nhà khoa học để phát triển bền vững, nhất là trong không gian liên kết vùng với Quảng Nam.

DSC09650.JPG
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Giáo sư Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao nhưng còn đối mặt với năng suất lao động thấp và công nghiệp hóa phụ thuộc gia công. Ông đề xuất Đà Nẵng cần xây dựng hạ tầng “cứng và mềm” vượt trội, môi trường sống và văn hóa hấp dẫn để thu hút tập đoàn toàn cầu. Lãnh đạo thành phố nên chủ động tiếp cận nhà đầu tư chiến lược và cân nhắc cơ chế hợp tác công – tư linh hoạt.

DSC09656.JPG
Gần 350 chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tiến sĩ Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng KH&CN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam – khuyến nghị Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 57 để đột phá chính sách, đặc biệt trong đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D). Ông nhấn mạnh việc thí điểm Quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn nhà nước, kết hợp xã hội hóa, để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thương mại hóa nghiên cứu. Mô hình này có thể là đòn bẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

DSC09684.JPG
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu ý kiến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng – đề xuất thành phố cần đưa định hướng phát triển “thành phố đại học” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới. Với hơn 100.000 sinh viên và khoảng 20 cơ sở giáo dục đại học, Đà Nẵng có tiềm năng lớn trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo khu vực.

Ông kiến nghị cần tập trung phát triển giáo dục STEM, nâng cao năng lực ngoại ngữ, cải cách thủ tục thu hút chuyên gia quốc tế, đầu tư trung tâm nghiên cứu trọng điểm và quảng bá hình ảnh Đại học Đà Nẵng như một hub đào tạo – khởi nghiệp kiểu mẫu, tương tự Singapore.

Tin cùng chuyên mục