Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại

Với vị trí nằm trên hành lang trục kinh tế xuyên Á, Mộc Bài là Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trên bộ lớn nhất cả nước, tuyến hành lang phía Nam quan trọng của Tiểu vùng Mê Kông, kết nối TPHCM - Phnôm Pênh – BangKok, có độ mở giao thương lớn nên Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối chuỗi sản xuất giữa Vùng Đông Nam bộ với Vương quốc Campuchia , khối ASEAN và quốc tế.

Ngày 24-11, tại KKTCK Mộc Bài (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) đã tổ chức lễ khởi công cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài nhằm phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị - dịch vụ Mộc Bài gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Xây dựng cảng cạn đầu tiên ở khu vực biên giới

Cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài nằm trong KKTCK cảng Mộc Bài, thuộc địa phận xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có tổng diện tích là 16,52ha do Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 552 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư xây dựng bãi container, kho CFS, kiểm soát, bãi đỗ và lưu xe cùng các trang thiết bị hiện đại gồm 3 cẩu RTG 6+1, 5 xe nâng hàng/rỗng, 50 xe đầu kéo, 50 rơ-moóc…

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm tặng hoa đến lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong lễ khởi công xây dựng cảng cạn Mộc Bài. Ảnh: XUÂN VŨ

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm tặng hoa đến lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong lễ khởi công xây dựng cảng cạn Mộc Bài. Ảnh: XUÂN VŨ

Dự kiến đến tháng 5-2024, cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài sẽ đi vào khai thác, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như: Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container; kho tạm chứa hàng xuất nhập khẩu và container; sửa chữa và bảo dưỡng container; giao nhận các loại hàng hóa; gom và chia hàng lẻ đối với hàng chung chủ trong cùng container; đóng hàng, dỡ hàng ra khỏi container; vận chuyển hàng container từ cảng cạn đến cảng biển và ngược lại; nhận và gửi hàng hóa vận chuyển bằng container.

Theo Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài là cơ sở thứ 28 trong hệ thống các cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics và là cảng cạn đầu tiên của Tân Cảng Sài Gòn gắn với cửa khẩu biên giới. Đây là một bước đi quan trọng của Tân Cảng Sài Gòn trong việc đầu tư hệ sinh thái đồng bộ, hiện đại cả về khai thác cảng, dịch vụ logistics, dịch vụ kinh tế biển, góp phần thực hiện thành công sứ mệnh của Tân Cảng Sài Gòn “Kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế biển, nâng tầm thương hiệu quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết thêm: Tây Ninh đang tập trung lập đồ án điều chỉnh quy hoạch để phát triển Mộc Bài là trung tâm công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ logistics trong thời gian sớm nhất. Khi đi vào hoạt động, Cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của khu kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Thúc đẩy kinh tế biên mậu cho Vùng Đông Nam bộ

Nhờ lợi thế nằm trong vùng động lực tăng trưởng cao, KKTCK Mộc Bài thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là TPHCM, do đó khi cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và KKTCK Mộc Bài được đầu tư đồng bộ sẽ hình thành vùng tam giác, bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố “đường biển - đường hàng không - đường bộ” của Vùng và khu vực. Cùng với đó, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài hình thành sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vai trò, tầm quan trọng của KKTCK Mộc Bài đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cảng cạn Mộc Bài. Ảnh: XUÂN VŨ

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cảng cạn Mộc Bài. Ảnh: XUÂN VŨ

KKTCK Mộc Bài, với vai trò cửa ngõ có vị trị địa lý quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại, trở thành giao điểm của trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Tây Nam Tổ quốc; do đó, Mộc Bài còn là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương thương mại, trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, du lịch với Vương quốc Campuchia, Hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Hợp tác Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam, Cộng đồng kinh tế ASEAN với châu Á và quốc tế.

KKTCK Mộc Bài nằm trên địa bàn 6 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích là 21.284 ha có dư địa đất đai đủ lớn cho đầu tư phát triển, hội đủ điều kiện, cơ hội để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững mang tầm quốc tế.

Trong tương lai gần, để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu thì ngoài đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM, có thể nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài - TPHCM, tăng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, với Cảng Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM, và tăng kết nối giữa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen - điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ với các điểm du lịch trong nước và quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại quốc gia.

Từ thành công của mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tập đoàn Becamex và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, tỉnh Tây Ninh đã định hướng phát triển KKTCK Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững nhằm hiện thực hóa lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm sự đồng bộ hợp lý về kết nối chính sách, kết nối hạ tầng KKTCK Mộc Bài với cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải để mở ra một hướng phát triển cho hàng hóa xuất khẩu, giảm áp lực giao thông cho vùng lõi Đông Nam bộ khi hàng hóa phải đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để xuống cảng Tân cảng Cát Lái hoặc Cái Mép - Thị Vải để đi ra thế giới.

KKTCK Mộc Bài có đủ dư địa và các điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại và phục vụ vai trò động lực, điểm kết nối quan trọng vào quá trình thúc đẩy sự phát triển chung của Vùng Đông Nam bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

KKTCK Mộc Bài phát triển sẽ tạo ra nguồn lực, động lực và tiềm lực kinh tế lớn, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước trên tuyến biên giới phía Tây Nam.

Tin cùng chuyên mục