Phát triển ứng dụng trên smatphone - Thị trường tiềm năng

Sân chơi thiết thực
Phát triển ứng dụng trên smatphone - Thị trường tiềm năng

Nhiều dự báo chỉ ra rằng năm 2012 và trong vòng hai năm tới, smartphone sẽ được phổ biến với cấu hình ngày càng mạnh và màn hình lớn. Song song đó là sự phổ biến của 3G, giúp smartphone có thể truy cập Internet tốc độ cao, trở thành một phương tiện ứng dụng rất nhiều loại dịch vụ phổ biến trên Internet… Vì vậy, phát triển ứng dụng trên smartphone là xu hướng không thể cưỡng lại.

Các lập trình viên của Công ty Naiscorp phát triển ứng dụng trên smartphone. Ảnh: Bá Tân

Các lập trình viên của Công ty Naiscorp phát triển ứng dụng trên smartphone. Ảnh: Bá Tân

Sân chơi thiết thực

Cùng với sự phát triển của công nghệ di động và các thiết bị cầm tay, công nghệ nhận dạng giọng nói (Voice Recognition), hỗ trợ quản lý bằng giọng nói (Voice Assistant), chuyển đổi từ ký tự sang giọng nói (Text to Speech) nhanh chóng trở thành xu hướng phát triển trong thời gian gần đây. Thế hệ Iphone 4S của Apple ra đời được đánh dấu bằng sự xuất hiện đồng thời của ứng dụng Siri (ứng dụng giúp người dùng giao tiếp bằng giọng nói). Đây không phải là công nghệ mới nhưng nó xuất hiện đúng lúc thế giới đang hướng về sự tiện lợi và thông minh của di động. Năm bắt được thị trường, ứng dụng SayIt (tương tự Siri) dành cho BlackBerry cũng ra đời, tạo được ấn tượng tốt đối với những người sử dụng dòng điện thoại thông minh này. Điểm đặc biệt, SayIt được phát triển bởi Nguyễn Long, sinh viên Khoa Điện-Điện tử (Trường ĐH Bách khoa TPHCM).

Sau khi khảo sát mong muốn người dùng trên các trang công nghệ, Nguyễn Long tìm hiểu Siri thông qua các đoạn video clip, rồi mày mò phát triển SayIt. Chỉ chưa đầy một tháng sau đó, ứng dụng SayIt lần đầu tiên được đưa lên AppWorld với giá 5 USD/lần tải về. Thật bất ngờ, SayIt nhanh chóng được người dùng BlackBerry lựa chọn. Không những thế, chỉ hơn ba tháng sau đó, SayIt đã được 6.000 lượt khách mua, thu được là 600 triệu đồng. Sau khi chia lợi nhuận, Nguyễn Long tạm bỏ túi gần 400 triệu đồng. Được biết, ngoài SayIt, Long còn phát triển 16 ứng dụng khác trên điện thoại và 1 ứng dụng trên máy tính bảng Playbook (BlackBerry).

Bên cạnh công nghệ di động và thiết bị cầm tay, mạng xã hội cũng là “miền đất hứa” cho các lập trình viên trẻ, mới chập chững vào nghề.  Nhóm Phoenix gồm hai sinh viên là Phạm Hoài Nam, Châu Văn Được (Khoa CNTT, Trường ĐH KHTN TPHCM) vừa nhận được phần thưởng 50 triệu đồng khi xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Viết ứng dụng trên mạng xã hội Zing Me”. Ứng dụng đoạt  giải “Happy City” là trò chơi xây dựng TP ảo giúp người dùng thư giãn, giải trí và kết nối bạn bè, người thân và cũng dễ dàng tải về cho smartphone.

Nam chia sẻ: “50 triệu đồng là phần thưởng lớn cho sinh viên tụi em. Không chỉ có Phoenix, mà có rất nhiều bạn sinh viên trong trường cũng lựa chọn công việc phát triển ứng dụng để trang trải kinh phí học tập. Thực tế ở giới viết ứng dụng, một ứng dụng đơn giản với nguồn thu từ vài triệu đồng không phải là hiếm gặp”. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG nhấn mạnh, phát triển ứng dụng sẽ là một lĩnh vực mới đầy tiềm năng chờ được khai phá.

Cộng đồng viết ứng dụng

Thực tế cho thấy, nhiều lập trình viên trẻ tập trung vào phát triển những ứng dụng kể trên không đơn thuần chỉ nằm ở doanh thu cao mà do ứng dụng này không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành quá sâu. Phạm Hoài Nam, nhóm trưởng nhóm Phoenix thừa nhận: “Chỉ cần những kiến thức căn bản từ ghế nhà trường, cộng thêm các kiến thức xã hội và khả năng nắm bắt thị hiếu thị trường là đã thành công với những ứng dụng đơn giản”. Cũng theo Nam, hiện có khá nhiều cuộc thi phát triển ứng dụng được tổ chức mà sinh viên hay lập trình viên trẻ có thể tham gia.

Cũng phải kể thêm, cuộc thi Create 4 millions do Nokia tổ chức đã mang lại nhiều cơ hội để các bạn trẻ yêu thích công nghệ tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn, cùng xây dựng công nghệ phát triển. Anh Khánh Toàn, đại diện nhóm có ứng dụng Socbay iMedia đoạt giải trong cuộc thi viết ứng dụng này, cho biết: “Tôi luôn mong muốn đứa con tinh thần của mình được nhiều người sử dụng và so tài với các ứng viên trên thế giới để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Create 4 millions đã mang lại cho tôi cơ hội đó. Hơn nữa Socbay iMedia là một ứng dụng thuần Việt nên tôi rất vui khi mang sản phẩm này đến với người dùng Việt và góp phần vào việc phát triển nội dung cho các dòng điện thoại của Nokia”.

Không chỉ viết ứng dụng từ các cuộc thi do các công ty lớn, công ty đa quốc gia tổ chức mà doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Công ty Naiscorp đã phát triển Socbay iMedia 4U, cung cấp cho người dùng hơn 15 dịch vụ: âm nhạc, video, tin tức, hình ảnh, truyện, cẩm nang, xổ số, bóng đá… Sản phẩm được xây dựng trên nền tảng mở, cho phép người sử dụng hoặc các nhà cung cấp nội dung có thể kinh doanh nội dung của chính mình trên cộng đồng của Socbay iMedia. Ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp cho biết, công ty sẽ tích hợp giải pháp về mobile marketing, cho phép các doanh nghiệp, người dùng có thể quảng bá sản phẩm, thương hiệu hay làm các nghiên cứu thị trường trên cộng đồng sử dụng Socbay iMedia. Socbay iMedia 4U không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… cũng là thị trường mà công ty nhằm đến. 

“Cá nhân tích cực tham gia vào các cuộc thi viết ứng dụng do các công ty trong và ngoài nước tổ chức, các công ty Việt cũng tham gia phát triển mảng này một cách quyết liệt và cạnh tranh khá gay gắt… đã tạo nên cộng đồng viết ứng dụng, tạo ra nhiều ứng dụng thiết thực với người dùng smartphone và hơn nữa sẽ tạo ra lượng giá trị gia tăng rất cao từ chính tri thức”, ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp cho biết thêm.

Bá Tân - Tường Hân

Tin cùng chuyên mục