Trong quyển sách mới xuất bản mang tựa đề The Asian American Achievement Paradox (tạm dịch: Nghịch lý thành công của người Mỹ gốc châu Á), dựa trên một cuộc khảo sát và 140 cuộc phỏng vấn sâu những người nhập cư gốc Trung Quốc, Việt Nam, Mexico, nhà xã hội học Min Zhou và Giáo sư xã hội học Jennifer Lee của Trường ĐH California đã chỉ ra những yếu tố dẫn đến sự thành công của người Mỹ gốc châu Á.
Dựa trên những số liệu gần đây, hai tác giả trên chỉ ra rằng những người nhập cư ưu tú nằm trong số những người có trình độ giáo dục cao nhất khi còn ở quê nhà và cũng thường có trình độ học vấn cao hơn nhiều so với trình độ giáo dục của đa phần dân số Mỹ. Lấy ví dụ cộng đồng người nhập cư Trung Quốc vào Mỹ. Năm 2010, 51% có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cao hơn gấp nhiều lần so với mức 4% tại Trung Quốc và 28% tại Mỹ. Nền tảng học vấn của cộng đồng nhập cư Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, là khởi nguồn của khái niệm mà nhiều người hay nhắc đến, đó là “đặc quyền châu Á”. Khi các nhóm nhập cư có học vấn ổn định cuộc sống tại Mỹ, họ tạo dựng cái mà nhà kinh tế George Borjas gọi là “vốn dân tộc”. “Vốn dân tộc” chuyển thành tri thức khi tại Los Angeles, từ Korea Town, China Town đến Little Saigon, không chỉ những bậc phụ huynh có trình độ giáo dục cao, mà cả những vị phụ huynh không hề biết tiếng Anh, thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, cũng đặc biệt coi trọng nền tảng giáo dục cho con cái mình. Họ dồn hết nguồn lực và tâm huyết để dạy dỗ con cái sau giờ học của con và sau giờ làm việc của mình. Họ truyền tai nhau thông tin về những trường công lập tốt nhất, những hội thảo giáo dục đại học miễn phí hay cách thức tốt nhất để chuẩn bị chi tiết và kỹ lưỡng cho quá trình dự tuyển vào đại học. Từ nhà thờ, chùa chiền, hay các trung tâm cộng đồng… phụ huynh nhập cư truyền nhau những thông tin vô giá về những nơi có trường công tốt, những chương trình giáo dục nằm trong khả năng chi trả của họ.
Bên cạnh nỗ lực vượt qua mọi trở ngại của các bậc cha mẹ nhập cư châu Á, việc chính phủ Mỹ gia tăng nguồn quỹ dành cho tư vấn giáo dục, huấn luyện viên và các chương trình giảng dạy để tạo ra hệ thống các chương trình giáo dục nằm trong khả năng chi trả của những nhóm dân cư này. Đây cũng là yếu tố chính để con cái người nhập cư châu Á vượt qua nhiều rào cản, để có thể vững chãi trên bước đường đi đến thành công.
Hơn 18 triệu người Mỹ gốc châu Á vốn được xem là nhóm chủng tộc có thu nhập cao, có học và phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Các tác giả viện dẫn việc con em của giới lao động nhập cư châu Á được nhận vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ là bằng chứng nhờ vào lao động chăm chỉ và nền tảng gia đình vững chắc. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Nhập cư và hệ thống giáo dục của Mỹ luôn ưu tiên và tạo điều kiện cho những người nhập cư có trình độ và kỹ năng tốt, không thể phủ nhận nền văn hóa đậm đà bản sắc châu Á có đóng góp nhất định trong những thành công của người châu Á trên xứ người. Như nhà báo Odile Palix nhận định, cộng đồng châu Á ở Mỹ luôn xếp gia đình ở vị trí quan trọng nhất trong cuộc sống thành đạt của mình.
HẠNH CHI