Phim tết: giải trí và nghệ thuật

Sau khoảng 7 năm, tính từ mốc phim “Gái nhảy” đến nay, đã hình thành một dòng phim Tết Việt hướng đến khán giả và có khán giả. Có thể nói, ngoại trừ mùa phim tết, chưa có dòng phim Việt Nam nào làm được điều này. Khởi đầu từ hãng phim nhà nước, song chỉ được 1 - 2 năm đầu, sau đó cán cân phim tết đã nghiêng hoàn toàn sang hãng phim tư nhân. Chỉ với một vài hãng phim tư nhân và cũng chỉ ở thị trường phía Nam nhưng giờ đây sản xuất phim tết đã trở thành một “công nghệ” riêng, “thao túng” thị trường điện ảnh cả nước vào mỗi dịp xuân về.

Điều điện ảnh Việt Nam ghi nhận ở phim tết là sự góp phần quan trọng trong việc lôi kéo khán giả quay về, quan tâm và yêu mến phim Việt. Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp, rõ ràng phim tết không được đánh giá cao. Dân trong nghề coi phim tết đơn thuần là dòng phim câu khách, thậm chí hơi… rẻ tiền.

Dễ dàng nhận thấy ý đồ của các nhà sản xuất trong việc chọn đối tượng nhắm đến khi làm phim tết. Chỉ có 2 đối tượng được quan tâm đó là giới trẻ và tầng lớp bình dân. Cũng không khó lý giải, hai đối tượng này tương đối dễ dãi trong việc tiếp nhận các sản phẩm văn hóa và họ là đối tượng chiếm số đông và sẵn sàng bỏ tiền đến rạp xem phim. Đề tài làm phim tết vì lý do này nên nhiều năm cũng chỉ xoay quanh những vấn đề đầy nhạy cảm như xã hội đen, vũ nữ, mại dâm, tình dục, đồng tính, tình cảm - kinh dị, hoặc chỉ là sự hài hước thuần túy…

Làm phim tết dễ hay khó? Thoạt đầu tưởng làm phim “câu khách” không khó. Tuy nhiên, gần chục năm qua cũng chỉ quanh quẩn 3 - 4 hãng phim tư nhân bỏ tiền làm phim. Một vài hãng khác, kể cả Việt kiều, cũng ngấp nghé chen chân vào thị trường này, nhưng hầu hết đều thất bại và bỏ cuộc. Ngay chính các hãng chuyên sản xuất phim tết không phải năm nào cũng thành công. Họ đều đã ít nhiều nếm trải mùi vị của sự thất bại. Mỗi bộ phim chi phí vài tỷ đồng, ăn hay thua chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Bấy nhiêu cũng đủ thấy làm phim tết không hề dễ và cũng không nhà sản xuất nào tự tin mình sẽ thắng khi mà phim chưa công chiếu.

Những đối tượng khán giả được xem là dễ dãi, đang ngày càng có những đòi hỏi cao hơn. Đó là lý do khiến những kiểu chọc cười nhạt nhẽo, những bộ phim có nội dung hời hợt, rời rạc đã chuốc lấy những thất bại nặng nề.

Rõ ràng sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả đã mang đến cho các nhà sản xuất những thách thức, đòi hỏi phải tìm tòi, thể nghiệm cái mới. Thế nhưng, sự thể nghiệm không phải lúc nào cũng đem lại thành công. Bắt chước thể loại phim đang ăn khách của nước ngoài đang là “mốt” của một vài hãng phim trong vài năm qua. Dù cách làm này không mấy hay song có vẻ đảm bảo được yếu tố thành công cho nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, cách làm phim tết hiện nay đang nghiêng hẳn sang xu hướng chạy theo thị hiếu thông thường để câu khách. Một vài đạo diễn trẻ cho mình cái quyền thể hiện cái tôi một cách quá đà trong cái được coi là sản phẩm mang tính cá nhân. Họ mượn tác phẩm để thỏa mãn những ý đồ riêng và lấy đó để cười cợt, xem thường người khác… Mặt khác, cũng đã có một vài thể nghiệm theo hướng đưa đề tài truyền thống vào phim tết, hoặc chọn những đề tài nghiêm túc như ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, hoặc gắng thử một cách làm phim mới và Tây… song thất bại cũng nhiều.

Sau những thất bại này, giới chuyên môn lo ngại: dòng phim tết sẽ không còn dám mạo hiểm chọn những đề tài, những vấn đề mang tính xã hội, có yếu tố nhân bản và đặc biệt là có giá trị nghệ thuật để làm phim nữa. Các nhà sản xuất của ta quên mất rằng những bộ phim thuộc thể loại giải trí thành công của thế giới đều kết hợp nhuần nhuyễn cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật, đặc biệt tính nhân văn được đề cao trong hầu hết các phim.

Khách quan đánh giá, phim tết hiện đang ngày càng tiến bộ cả về nội dung lẫn cách thể hiện. Và đồng ý là trong kinh doanh phải quan tâm đến yếu tố lợi nhuận, song cũng đã đến lúc các nhà sản xuất phim cần chú trọng hơn đến trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Việc định hướng thẩm mỹ, nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả cũng chính là nhiệm vụ của những người làm nghệ thuật thông qua những tác phẩm vừa mang tính giải trí vừa có giá trị nghệ thuật cao.

HÀ GIANG
 

Tin cùng chuyên mục