Phim Việt đi tìm dấu ấn chuyên nghiệp

Sự chuyển mình đầy tích cực trong những năm gần đây khiến điện ảnh Việt đang dần hiện thực hóa việc trở thành một nền công nghiệp thực sự. Tuy nhiên, trên hành trình ấy, dấu ấn chuyên nghiệp vẫn chưa đậm nét để có thể đạt được những thành công lớn.
Song Lang - bộ phim nhận được nhiều phê bình tích cực nhất năm 2018
Song Lang - bộ phim nhận được nhiều phê bình tích cực nhất năm 2018

Lượng đổi, nhưng chất chưa ổn

Phim Việt đang có bước chuyển mình mạnh mẽ về số lượng, nếu năm 2017 có 36 phim được sản xuất, thì năm 2018 có 43 phim. Số lượng phim tăng phản ánh tiềm lực sản xuất cũng như sự sôi động của thị trường. Sức hấp dẫn của mảng phim chiếu rạp khiến các nhà sản xuất (NSX) tích cực khẳng định vị thế. Thị trường cũng chào đón thêm nhiều đơn vị sản xuất phim mới. Số lượng phim tăng, người được hưởng lợi lớn nhất cũng chính là khán giả, bởi nếu trước đây mỗi tháng chỉ có 1 - 2 phim được ra mắt, thì hiện tại, phim Việt có mặt ở các rạp chiếu mỗi tuần. Cán cân phim nội - phim ngoại do đó cũng dần giảm sự chênh lệch.

Tuy nhiên, số lượng bùng nổ không đồng nghĩa với việc chất lượng tăng đều qua mỗi năm. Năm 2015 chúng ta có những phim được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như doanh thu, như: Trúng số, Em là bà nội của anh, Lật mặt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; sang năm 2016, thị trường có dấu hiệu thụt lùi khi chỉ có 2 phim cán mốc doanh thu xấp xỉ 70 tỷ đồng là Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Nắng; năm 2017, thị trường khởi sắc trở lại khi Em chưa 18 cán mốc doanh thu hơn 170 tỷ đồng; riêng năm 2018, các phim Lật mặt 3 chàng khuyết, Chàng vợ của em, Tháng năm rực rỡ… được xem là những điểm sáng đáng khích lệ. Dẫn chứng trên để thấy, thị trường chưa có sự ổn định về chất lượng tác phẩm.

Hạ cuối tình đầu - phim nhận nhiều phản ứng trái chiều về chất lượng
 Đại diện Hội Điện ảnh TPHCM từng đưa ra đánh giá: “Số lượng phim tăng nhanh nhưng các tác phẩm có chiều sâu, giá trị, không tăng thuận chiều. Chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật”. Thực tế cho thấy, dù đã qua giai đoạn thịnh hành của hài nhảm, nhưng thị trường vẫn có những tác phẩm ra mắt “không biết để làm gì”. Điểm lại năm 2018, có thể kể đến những: Lala: Hãy để em yêu anh, Yêu em từ khi nào, Thử yêu rồi biết, Hạ cuối tình đầu… Dạng phim “vô thưởng vô phạt” như vậy khiến diện mạo nền điện ảnh trở nên kém sắc.


Nhiều tồn tại

Có lẽ hai chữ chuyên nghiệp đã được xem là chuẩn mực của thị trường điện ảnh Việt hiện nay. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở những bước tiến vượt bậc về mặt kỹ thuật. Hầu hết các phim đều thu hút khán giả bằng hình ảnh, chất lượng âm thanh tốt, có sự chăm chút kỹ lưỡng. Kỹ thuật xử lý ngôn ngữ điện ảnh ngày càng cho thấy sự lên tay của các ê kíp thực hiện. Điều này có được là kết quả tất yếu của sự phát triển về mặt công nghệ, trong đó có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia nước ngoài vào quá trình sản xuất phim. Có thể kể tên những gương mặt đã quen thuộc với khán giả Việt và góp phần làm nên thành công của nhiều tác phẩm như: chuyên gia âm nhạc Christopher Wong, chuyên gia hành động Vincent Wang, đạo diễn Nhật Bản Ken Ochiai… Nhiều bộ phim, yếu tố kỹ xảo cũng khiến khán giả phải khâm phục, dù mức kinh phí sản xuất của phim Việt hiện nay còn thấp. Nhiều ê kíp làm phim chấp nhận thể nghiệm các thể loại, dòng phim, vốn được xem là mảnh đất khó.

Nhưng điện ảnh Việt có lẽ chưa thể gọi là chuyên nghiệp thực sự. Về mặt kịch bản, thiếu và yếu là câu nói cửa miệng. Một thời gian, trào lưu Việt hóa, chuyển thể các kịch bản thành công từ nước ngoài nở rộ, nhưng chất lượng phim đa phần làng nhàng. Biên kịch Trần Khánh Hoàng nhận định: “Chúng ta chưa nhận định đúng vai trò của biên kịch. Việc đào tạo các biên kịch cũng chưa thật sự chuyên nghiệp, đa số là nghề dạy nghề để tự hoàn thiện. Có không ít những ý tưởng đột phá nhưng lại thiếu đi kỹ năng về cấu trúc. Việc quan trọng là chúng ta phải có chiến lược để đào tạo đội ngũ biên kịch kế cận”.

Không chỉ biên kịch, ở các công đoạn khác, đội ngũ làm nghề giỏi cũng thiếu trầm trọng. Một đạo diễn trẻ than phiền về việc điện ảnh Việt đang quá thiếu những NSX lớn, giỏi để góp phần định hướng thị trường, đưa ra lời khuyên hữu ích cho các nhà làm phim trẻ. Nhiều bộ phận như thiết kế mỹ thuật, hóa trang, đạo diễn hình ảnh…, số lượng nhân sự giỏi cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự phát triển của thị trường tạo ra yêu cầu cần phải có nguồn nhân lực tốt.

Một thực tế khác, phim Việt đang thiếu vắng những ngôi sao điện ảnh thực thụ. NSX Vũ Thị Bích Liên nhận định: “Chúng ta đang thiếu những ngôi sao đủ sức kéo khán giả, đủ năng lực thực sự để tạo nên thương hiệu lớn”. Điều này không phải không có căn cứ. Qua thời của những ngôi sao Thương Tín, Chánh Tín, Phương Thanh, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, hay gần nhất là Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân…, những ngôi sao điện ảnh đúng nghĩa ngày càng hiếm. Ngay cả những Thái Hòa, Hoài Linh, Trường Giang - vốn được mệnh danh là “ông hoàng phòng vé” nhưng sức hút cũng ngày càng giảm sút. Thế hệ diễn viên trẻ ngày nay đa phần đều dừng ở mức “hiện tượng”, hay “diễn viên một vai”, khả năng đi đường dài chưa rõ rệt.

Muốn tiến đến chuyên nghiệp, mỗi cá nhân phải tự chuyên nghiệp hóa bản thân. Quan trọng hơn nữa là cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ từ nhiều phương diện: đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển tài năng, nguồn tài chính để làm phim, các quỹ hỗ trợ điện ảnh và hỗ trợ phim, phát hành phim, hợp tác làm phim nước ngoài… Điện ảnh không đơn thuần là giải trí mà nó còn góp phần định hình bản sắc quốc gia; các phim được yêu thích có thể trở thành một phần của đời sống xã hội rộng lớn. Để tiến lên con đường chuyên nghiệp, điện ảnh Việt cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay và hãy hành động, thay vì chỉ nói suông.

Điện ảnh Việt đang ở giai đoạn thả nổi theo thị trường, tức là khán giả cần gì, nhà làm phim cung cấp đó. Trong nhiều trường hợp, bản thân NSX không thể nắm bắt được gu khán giả, dẫn đến tình trạng không ai dám chắc về doanh thu, phần nhiều phụ thuộc vào may rủi, ngay cả khi chất lượng được đánh giá cao. Việc phim nhà nước hoàn toàn vắng bóng những năm qua cho thấy thị trường mất cân đối những phim có tính định hướng, giáo dục về thẩm mỹ, văn hóa.

Tin cùng chuyên mục