Phổ cập điện thoại, Internet cho người dân vùng sâu vùng xa, nhất là các tỉnh Tây Nguyên là một điều không hề dễ dàng dù cơ sở hạ tầng viễn thông đã được xây dựng hoàn chỉnh. Điều này ghi nhận sự nỗ lực của VNPT các tỉnh Tây Nguyên, nhưng cũng cần cách làm mới để phục vụ tốt hơn cuộc sống bà con dân tộc.
Hạ tầng tốt
Ông A Dyim ở thôn Pieisar, xã Ia Chim, Kon Tum đã gần 85 tuổi nhưng vẫn còn đi đứng vững vàng, nói chuyện mạch lạc và cười vui khi nói về điện thoại. "Điện thoại nhà tui chủ yếu để con cháu gọi về, tôi ít gọi lắm. Có nó đỡ nhớ con cái hơn…". Con cái ông, đứa thì ở rẫy, đứa làm ăn xa nên căn nhà vắng tanh, mình ông bầu bạn với chiếc điện thoại bàn cũng như con lợn, gốc cây trong vườn nhà. Đó là niềm hạnh phúc của tuổi gần đất xa trời, hạnh phúc vì trong thôn Pieisar này, không phải ai cũng có điện thoại để con cháu liên lạc.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc VNPT Kon Tum, để bà con dân tộc tại địa phương dùng điện thoại là điều không khó, khi cáp đã được kéo đến tận thôn, bản, cái khó ở đây là bà con có "nuôi" được máy điện thoại hay không.
Ông Thái cho biết, việc phát triển điện thoại đến với bà con dân tộc gặp rất nhiều khó khăn, dù VNPT linh động áp dụng chương trình Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (theo Chương trình 135 của Chính phủ). Việc phổ cập Internet càng khó khăn hơn vì bà con dân tộc ít ai hiểu Internet là gì, họ cũng không có ý định mua máy vi tính vì thế cáp quang kéo đến tận đầu thôn, thậm chí ở một số thôn xa có sẵn VSAT-IP (kết nối Internet qua vệ tinh) nhưng cũng để đấy.
Dù bà con dân tộc không cần, nhưng trong năm nay VNPT Kon Tum cũng quyết tâm phủ sóng di động và Internet băng thông rộng đến 18/79 xã, phường. VNPT làm việc trên dù biết chưa khai thác đạt hiệu quả kinh tế nhưng đây là việc phải làm, chờ mong sự thay đổi trong nhận thức của bà con dân tộc, ông Thái cho biết thêm như vậy.
Việc phổ cập điện thoại, Internet của VNPT Đắc Lắc - Đắc Nông cũng rơi vào cảnh tương tự như tỉnh Kon Tum. Ở buôn Đung B, xã Eakhănl, huyện Eahleo, tỉnh Đắc Lắc, cáp quang Internet đã được đưa đến đầu buôn, nhưng trong buôn chưa có nhà nào có máy tính để kết nối Internet. Hỏi những học sinh đi học về, các em cũng nói không biết, còn người lớn trong làng chỉ cười và lắc đầu.
"Thượng tầng" chưa theo kịp
Hiện dịch vụ Internet Mega VNN của VNPT Gia Lai đã phủ rộng khắp các phường, xã, buôn và trong thực tế chỉ có những người ở trung tâm thành phố Pleiku là khách hàng chính, còn ở các buôn, bà con dân tộc không biết Internet là gì. Không nói đâu xa, chị Puih Chánh, người dân tộc làng Pleikuroh, làng chỉ cách trung tâm Pleiku chưa đầy 5km cho biết: "Em nghe nói đến Internet rất nhiều, nhưng em không biết sử dụng làm sao, hơn nữa lắp đặt Internet thì sợ tiền trả mỗi tháng quá nhiều".
Tuy đời sống khá giả song chị Puih Chánh chưa dám xài vì đơn giản là không biết sử dụng vào mục đích gì. "Nhà có cái điện thoại đã đủ lắm rồi, chồng ở trong rẫy, người thân ở xa đều liên lạc qua điện thoại là tốt rồi, gắn Internet để làm gì", chị Puih Chánh bộc bạch.
Ông Đinh Văn Vượng, Giám đốc VNPT Gia Lai cho rằng, bà con dân tộc tại Gia Lai đa phần biết sử dụng điện thoại, thậm chí là điện thoại di động và đây đã là một thành công của VNPT Gia Lai. Thực tế tại Gia Lai cho thấy, việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để kéo điện thoại, Internet đến với đồng bào dân tộc hiện nay không phải là chuyện khó vì trong 9 huyện thuộc khu vực 2 và 1 huyện thuộc khu vực 3, là những huyện vùng sâu vùng xa đã phát triển được 5.600 thuê bao điện thoại và cáp Internet cũng như trạm VSAT-IP đã sẵn sàng tiếp nhận thuê bao. Nhưng cái khó là đồng bào vẫn chưa hiểu hết lợi ích của việc sử dụng - ứng dụng trong đời sống nên phát triển thuê bao Internet với bà con dân tộc hết sức khó khăn.
Để bà con hiểu hết lợi ích của Internet, ứng dụng được trong đời sống cần có chiến lược tuyên truyền dài hạn, bền bỉ và điều quan trọng là phải tập huấn, hướng dẫn sử dụng bài bản để lôi cuốn lượng người sử dụng ngày càng đông. Các ban ngành cùng ngồi lại với nhau, tìm cách phổ cập Internet cho đồng bào dân tộc là điều cần làm hiện nay.
Bá Tân