Nguy cơ giãn việc làm, cắt giảm lao động đang gia tăng trên địa bàn TPHCM. “Liều thuốc” nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và người lao động không bị loại khỏi thị trường lao động? Đó là những vấn đề nóng được đặt ra cho Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Thành Tâm.
* PV: Thưa ông, TPHCM đang là điểm “nóng” về biến động lao động, trong đó con số lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm việc đang gia tăng? Nhận định của ông về vấn đề này.
* Giám đốc Lê Thành Tâm: Đây là nỗi lo chung và là cũng mối quan tâm mà lãnh đạo TPHCM chỉ đạo phải tháo gỡ giải quyết khẩn cấp để giúp các DN giữ vững ổn định sản xuất, hạn chế nguy cơ sa thải lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 12-2008, theo báo cáo mới có 35 doanh nghiệp (DN) ngừng sản xuất, giãn lao động khiến trên 7.600 lao động bị mất việc làm, giãn việc, chủ yếu rơi vào những ngành nghề thâm dụng lao động như giày, da, may mặc.
Theo LĐLĐTP, trong số lao động mất việc làm đã có 3.745 người được các DN khác tiếp nhận vào làm việc. Như thế số lao động mất việc làm này chưa rơi vào tình cảnh mất việc hoàn toàn. Một vấn đề cần nhìn nhận là trong khi có những DN không trụ vững, gặp khó khăn về đơn hàng, hợp đồng gia công hoặc làm ăn thua lỗ phải sa thải, cắt giảm lao động thì cũng có nhiều DN có quy mô sản xuất cần tuyển mới hàng ngàn lao động nhưng trước đây không có nguồn cung ứng. Nhờ vậy, áp lực mất việc làm ở TPHCM không quá căng thẳng.
* Ngay những ngày đầu năm này lại có thêm nhiều DN ở TPHCM đã và đang có kế hoạch cắt giảm lao động hàng loạt, ngành LĐTB-XH TP có nắm được không?
* Theo khảo sát sơ bộ, khả năng mất việc, giãn việc trong những tháng đầu năm 2009 sẽ diễn biến phức tạp hơn, dự kiến sẽ có khoảng 16.000 lao động bị ảnh hưởng. Để theo sát tình hình thực tế, Sở LĐTB-XH và LĐLĐTP phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc nắm bắt số liệu về lao động mất việc, giãn việc ở các quận, huyện. Theo báo cáo của các quận, huyện, hiện có khoảng 38 DN có nguy cơ ngừng hoặc co hẹp sản xuất phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc.
Trong tình hình kinh tế khó khăn, có một số DN phải thay đổi công nghệ, chuyển đổi hợp đồng gia công hoặc phải di dời từ TP đến địa phương khác hoạt động nên không tránh khỏi việc xáo trộn về lao động.
* Theo ông giải pháp nào có thể cứu nguy cho DN ở TPHCM giữ vững sản xuất, không rơi vào đường cùng phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động?
* Đúng là DN còn “sống” thì người lao động mới có việc làm và giải pháp cứu nguy đối với DN là khẩn cấp. Như tôi đã nói, trong 20 DN ở Thủ Đức có nguy cơ cắt giảm lao động, giãn việc thì chủ yếu thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nằm trong khu chế xuất - khu công nghiệp. Vì thế, Chính phủ nên xem xét, có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất những mặt hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi như miễn thuế, giảm thuế, chậm nộp thuế…
Bên cạnh đó, để cứu các DN có quy mô vừa và nhỏ trong nước thì Chính phủ phải sớm triển khai gói kích cầu, hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, thực hiện miễn giảm thuế, giãn nợ thuế vì sản phẩm chưa tiêu thụ được…
* Để giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động, ngành LĐTB-XH đã có động thái can thiệp, hỗ trợ ra sao?
* Chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống giới thiệu việc làm (GTVL) của TP bao gồm 9 trung tâm GTVL, 20 chi nhánh ở quận, huyện, công ty xuất khẩu lao động tham gia giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động mất việc, thôi việc. Vấn đề mà TP, các ngành chức năng và các quận, huyện cần phải làm là kết nối nhanh cung với cầu của thị trường lao động.
Điểm sáng cần nhân rộng ở TP là có nhiều DN chia sẻ khó khăn với người lao động và sẵn sàng tiếp nhận nhiều lao động bị mất việc vào làm việc. Trong thời gian bị mất việc, người lao động được khuyến khích học nghề, tái đào tạo lại để bổ sung nâng cao tay nghề, trình độ kỹ thuật.
* Cụ thể, những đối tượng này nhận được chính sách hỗ trợ như thế nào?
* Đối với lao động ở nông thôn thì được Quỹ Quốc gia hỗ trợ tạo việc làm hỗ trợ học nghề với mức 1,5 triệu đồng/người. Nếu không tham gia làm việc ở công xưởng thì lao động mất việc có thể lập dự án về làm ăn, phát triển kinh tế gia đình để được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo tôi về lâu về dài, TPHCM cần mở rộng việc phổ cập nghề cho học sinh từ lớp 9 để mỗi thanh niên bước vào đời sẽ có một cái nghề vững chắc, ít có nguy cơ bị mất việc làm hơn. Việc TP và nhà nước chi tiền để “phổ cập nghề” tính ra còn rẻ hơn việc bỏ tiền ra giải quyết nạn thất nghiệp và các tệ nạn liên quan đến thất nghiệp”.
Theo Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn trên địa bàn huyện đang có 30 DN cần tuyển lao động mất việc với số lượng không giới hạn. Tại Thủ Đức, các công ty Dệt may Thái Dương, An Đại Phú đang rao tuyển 200 - 500 lao động với mức lương từ 1,3 - 1,6 triệu đồng/tháng và cho biết sẽ nhận hết công nhân bị mất việc (chưa kể các DN từ Bình Dương cũng “lặn lội” xuống Thủ Đức tuyển dụng). Ở Bình Tân, ngoài đảm bảo giữ việc làm ổn định cho 70.000 lao động, Công ty Pou Yuen còn đón nhận thêm trên 1.000 lao động mất việc ở nơi khác. |
K.BÌNH - M.ANH