Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo chấn chỉnh. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát các văn bản của Bộ bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh thành bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh thành phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm; kịp thời hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục ở khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, bảo đảm tất cả học sinh được đi học đầy đủ.
Trước đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã vào cuộc kiểm tra đột xuất về tình trạng lạm thu tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An.
Qua kiểm tra ở mức độ khác nhau, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định.
Bộ GD-ĐT cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD-ĐT mà còn phải từ chính các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên. Kết luận thanh kiểm tra của Bộ sẽ đạt hiệu quả cao nếu các địa phương cùng vào cuộc và kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu - chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.