
- Ký kết 4 văn kiện hợp tác mới
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngài Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, Phó Tổng thống, Thủ tướng Nhà nước Các Tiểu vương Quốc Arập Thống nhất (UAE) tới thăm chính thức Việt Nam. Lễ đón chính thức Phó Tổng thống, Thủ tướng Al Maktoum diễn ra trọng thể tại Hà Nội vào chiều 4-9. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Phó Tổng thống, Thủ tướng Al Maktoum.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Tổng thống, Thủ tướng UAE Mohammed Bin Rashid Al Maktoum. Ảnh: MINH ĐIỀN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam và UAE còn nhiều tiềm năng để hợp tác. Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp UAE đầu tư những dự án lớn, nhất là ở những lĩnh vực UAE có thế mạnh như khai thác và chế biến dầu khí, bất động sản, kinh doanh khách sạn, du lịch. Trong những năm qua, kim ngạch thương mại 2 chiều của Việt Nam và UAE có những tăng trưởng đáng kể từ 67 triệu USD năm 2002 lên 250 triệu USD năm 2006.
Nhưng con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ khả năng hiện có của hai nước. Giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang quốc gia này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của UAE (80 tỷ USD năm 2006). Việt Nam chưa khai thác hiệu quả vai trò “trung tâm trung chuyển” hàng hóa của UAE (80% hàng nhập khẩu của UAE được tái xuất). Thủ tướng đề nghị UAE tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam và nước này; đồng thời, mở rộng khả năng xuất khẩu sang các nước khác ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Phó Tổng thống, Thủ tướng Al Maktoum cho biết, nhiều nhà đầu tư của nước này đã quyết định chọn Việt Nam là trọng tâm đầu tư trong những năm tới. Theo Phó Tổng thống, Thủ tướng Al Maktoum, Việt Nam có được những yếu tố hấp dẫn như chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ. UAE coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy và tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với Việt Nam.
UAE sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam vào thị trường nước này và cũng có thể làm cầu nối trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực khác. Nhu cầu về lao động của UAE rất cao, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng và công nghiệp chế biến, UAE có thể tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Sau hội đàm, Việt Nam và UAE đã ký kết 4 văn kiện hợp tác mới. Đó là: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng thương mại và Công nghiệp Dubai, Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban Chứng khoán Việt Nam với Ủy ban Chứng khoán và Tài sản UAE; Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển công nghiệp giữa hai nước.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Phó Tổng thống, Thủ tướng Al Maktoum.
Cùng ngày, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – UAE.
Tại Diễn đàn, ông Obai Humaid Al Tayer, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai khẳng định rằng, các nhà đầu tư đến từ UAE đã nhìn thấy cơ hội đầu tư vào khu vực cơ sở hạ tầng và du lịch ở Việt Nam. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh ở Việt Nam cũng được các nhà đầu tư UAE - cho dù chưa phải thực sự quen thuộc với Việt Nam - nhanh chóng phân tích và khẳng định cơ hội. “Chúng tôi muốn trở thành những người sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Đặc biệt, chúng tôi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện”, ông Obai Humaid Al Tayer nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE, bà Sheikha Lubna Al Qasimi, các nhà đầu tư UAE có lợi thế rất mạnh về tài chính. Nguồn vốn đầu tư tư nhân của quốc gia này hiện đang chiếm khoảng 43% tổng lượng vốn cố định. Nhiều nhà đầu tư UAE thẳng thắn cho rằng, ngoài rào cản về ngôn ngữ (không quá khó để khắc phục), nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có đào tạo, có tay nghề kỹ thuật cao, lại là một trong những điểm yếu của Việt Nam. Đại diện UEA đã đề xuất tới khả năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và chuyển giao công nghệ.
V.NG. - P.A.